Theo ông Alăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những đổi thay của các địa phương miền núi thời gian qua có không ít dấu ấn từ sự hiến góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín.
“Giai đoạn 2023 – 2027, Quảng Nam có 386 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Phát huy vai trò và tiếng nói của mình, các già làng, người có uy tín trở thành kênh kết nối quan trọng giúp chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng kịp thời và có hiệu quả” – ông Mai chia sẻ.
Người uy tín nêu gương
Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 vừa được UBND huyện Nam Trà My tổ chức. Khác hơn so với mọi năm, chương trình lễ hội lần này diễn ra với thêm một hoạt động ý nghĩa xuất phát từ tinh thần và tấm lòng sẻ chia của các hộ trồng sâm trên địa bàn: Đấu giá sâm Ngọc Linh để gây quỹ hỗ trợ xóa nhà tạm cho người dân khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kể, trước ngày khai hội, khi hoạt động đấu giá sâm vừa được gợi mở, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ những người trồng sâm trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện rất phấn khởi, bởi sau khi tổng hợp danh sách đăng ký, có đến 11 hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tình nguyện tặng những củ sâm đoạt giải trong cuộc thi sâm để chính quyền địa phương đấu giá, gây quỹ nhân ái.
“Sau buổi đấu giá, chúng tôi thu về hơn 360 triệu đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm, giúp các hộ dân khó khăn ổn định đời sống, theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết” – ông Phước chia sẻ.
Nhưng, điều thú vị ở phiên đấu giá này, ngoài cá nhân, doanh nghiệp, còn có rất nhiều hộ trồng sâm người Xơ Đăng tình nguyện hiến góp. Trong số đó, tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Lượng (trú thôn 2, xã Trà Linh) với chùm sâm “khủng” nặng hơn 0,5kg được mang đến ủng hộ. Qua nhiều lần đấu giá, chùm sâm của ông Lượng được mua với giá gần 130 triệu đồng.
“Buổi đấu giá rất ý nghĩa vì toàn bộ số tiền sẽ được dùng để xóa nhà tạm. Khi nhận được lời đề nghị từ ban tổ chức lễ hội, tôi đã lựa chùm sâm đẹp nhất của vườn mang đến tham dự và ủng hộ” – ông Lượng tâm sự.
Ông Lượng không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là đồng bào ở Nam Trà My. Không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng địa phương, nhiều năm qua, ông Lượng còn tạo việc làm cho hàng chục hộ dân khó khăn, thông qua hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây sâm của gia đình.
Thù lao của người lao động, ngoài chi trả lương hằng tháng, ông còn hỗ trợ công sức và thậm chí là mừng sinh nhật bằng… sâm, xem đó là cách chia sẻ giúp người dân thoát nghèo.
Vài năm trở lại đây, ông Lượng còn hướng dẫn người lao động kỹ thuật trồng sâm hiệu quả dưới tán rừng. Đã có nhiều người học theo ông, sau thời gian làm công đã trở thành chủ vườn sâm mới và thoát nghèo bền vững.
Góp xây cộng đồng phát triển
Thời gian qua, có rất nhiều già làng, người có uy tín trong cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi người một cách góp sức, từ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ sâm giống, cho đến chia sẻ đất đai, vườn tược, góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Bằng tâm huyết và tinh thần nêu gương, họ đã vun đắp cho sự phát triển của quê hương.
Vài năm trước, Phước Sơn là một trong số địa phương miền núi chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Thời điểm các tuyến đường bị lũ chia cắt, nhiều bản làng các xã vùng cao bị cô lập, hư hỏng nhà cửa, chính các già làng và người có uy tín đã phối hợp với lực lượng chức năng tìm cách đưa người dân đến trú tránh an toàn tại các điểm trường học, trụ sở ủy ban xã.
Bão lũ qua đi, để có nơi lập làng mới, nhiều già làng và người có uy tín đã tình nguyện chia sẻ đất đai, vườn tược tạo điều kiện xây dựng các khu tái định cư, giúp cộng đồng tái thiết cuộc sống mới.
Ông Đỗ Hoài Xoan – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương hiện có 54 người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Những năm qua, già làng và người có uy tín luôn phát huy vai trò, làm gương trong phát triển kinh tế.
Nhiều người có uy tín dù tuổi đời khá trẻ nhưng biết học hỏi cách làm hay, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; góp tiếng nói vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương…
“Ở miền núi, già làng và người có uy luôn là chỗ dựa vững chắc giúp người dân an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống, noi gương phát triển kinh tế, góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống.
Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, cũng luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của già làng và người có uy tín. Họ thực sự như “cánh tay nối dài” trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương ” – ông Xoan nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tien-phong-tu-guong-nguoi-uy-tin-3141589.html