Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, nhằm triển khai công tác phòng chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ, từ tháng 6/2024, đơn vị đã chủ động phối hợp các địa phương, đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản tiến hành rà soát danh mục các di tích xuống cấp trong khu phố cổ, qua đó đề xuất các giải pháp chằng chống những vị trí xuống cấp hoặc giải pháp di dời, hạ giải các di tích có nguy cơ sụp đổ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Kết quả khảo sát 36 di tích xuống cấp trong khu phố cổ cho thấy, có 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 17 di tích xuống cấp nặng và 9 di tích xuống cấp nhẹ.
“Chúng tôi đã đề nghị các cấp ngành liên quan cho hạ giải 11 di tích vì không còn khả năng chống đỡ, đây là các di tích đã được chống đỡ các năm trước, hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp khả thi để tiếp tục chống đỡ.
Tuy nhiên, đến nay do một số vướng mắc về cơ chế, chưa kể ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu phố cổ khi di tích được hạ giải mà chưa có kế hoạch tu bổ nên vẫn chưa triển khai được” – ông Ngọc nói.
Trong khi chờ đợi, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã gửi công văn đến UBND các phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong đề nghị thông báo các chủ di tích thuộc diện xuống cấp có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho di tích của mình.
Cụ thể, đối với 10 di tích không hạ giải (tại số 12/11 Bạch Đằng; 7/2 Nguyễn Huệ; 71/4 và 98 Phan Châu Trinh; 23 Tiểu La; 26 Trần Quý Cáp; 35, 50/9 và 76/18 Trần Phú; 56/10 Lê Lợi), trung tâm đề nghị UBND phường Minh An liên hệ với chủ di tích di dời đi nơi khác, không ở bên trong di tích khi có bão, lụt xảy ra.
Đồng thời đề nghị UBND phường Minh An, UBND phường Cẩm Phô liên hệ với chủ một số di tích có phương án hạ giải hoặc có biện pháp bao che bên ngoài và treo biển báo nguy hiểm không được sử dụng di tích khi có bão, lụt xảy ra.
Riêng với các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ như nhà số 56/10 Lê Lợi, nhà số 12/11 Bạch Đằng, nhà số 76/18 và 68 Trần Phú, hội quán Ngũ Bang…, đây là các di tích thuộc sở hữu tập thể, không có người đại diện về pháp lý cũng như trách nhiệm để đứng ra lo việc tu bổ, sửa chữa.
Để đảm bảo an toàn di tích, ngày 19/12/2023, trung tâm đã tham mưu UBND thành phố trình UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ (tại Tờ trình số 258/TTr-UBND), tuy nhiên đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời của UBND tỉnh.
Trung tâm chỉ nhận được Công văn số 108/STC-NS ngày 10/1/2024 của Sở Tài chính trả lời “Đề nghị UBND thành phố Hội An cân đối ngân sách thành phố để thực hiện tu bổ cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng thuộc phố cổ Hội An theo thẩm quyền”.
Cũng theo ông Ngọc, vì một số trường hợp di tích thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể như nhà thờ tộc họ không có giấy tờ do ông bà để lại; trong khi theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ từ 45 – 75% kinh phí sửa chữa nhưng với mức này người dân cũng không có điều kiện để làm, nhất là những nhà trong kiệt hẻm.
“Bây giờ nếu có bão lớn chỉ còn nước di dời người dân ra khỏi nhà hoặc dời từ trước ra sau, từ sau ra trước nhà. Do đó, trung tâm đã đề nghị UBND thành phố xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt (hỗ trợ 100% kinh phí) để thực hiện việc tu bổ, cứu nguy cho các di tích nêu trên trong thời gian sớm nhất” – ông Ngọc kiến nghị.
Theo ước tính, để hạ giải sửa chữa một di tích, kinh phí bình quân khoảng 1 tỷ đồng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/noi-lo-di-tich-nha-co-hoi-an-3141461.html