Kiên trì vận động nhân dân
Ông Nguyễn Văn Nhàn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối dân vận xã Hiệp Hòa cho biết, trong 15 năm qua, xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) được quan tâm đầu tư hàng chục công trình, dự án lớn nhỏ, đáng chú ý như trụ sở làm việc của xã, trạm y tế, trường học, cầu Trà Linh, cầu Khe Dầu, đường ĐH.5HĐ…
Mỗi công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, sau khi thống kê, khảo sát có rất nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng. Chỉ tính riêng dự án cầu Trà Linh, cầu Khe Dầu và đường ĐH.5HĐ đi qua địa bàn xã, đã ảnh hưởng đến 194 hộ gia đình, do đó việc giải phóng mặt bằng (GPMB) là hết sức khó khăn, phức tạp.
Xuất phát từ thực tế trên, Khối Dân vận xã Hiệp Hòa đã mạnh dạn đề xuất với Đảng bộ xã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác GPMB. Thành viên là các cán bộ am hiểu chủ trương, có uy tín, có kỹ năng thuyết phục, vận động hiệu quả, với phương châm “Khéo léo trong vận động, linh hoạt trong cách làm”.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Khối Dân vận và Tổ công tác GPMB của xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân và 69 đợt tuyên truyền vận động với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” nên đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Theo đó, nhiều công trình đã được bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công” – ông Nhàn chia sẻ.
Tại xã Quế Lưu, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên, nông dân.
Ông Trần Văn Chương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Lưu cho biết, thời gian qua Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động thành lập 1 tổ hợp tác trồng rau sạch, 1 hợp tác xã nông nghiệp, 3 tổ hội nghề nghiệp và vận động giúp đỡ nhiều hội viên, nông dân bị thiên tai, dịch bệnh, hộ hội viên nghèo…
Nâng cao nhận thức về công tác dân vận
Theo báo cáo của Huyện ủy Hiệp Đức, qua 15 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hội, đoàn viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.
Qua phong trào thi đua đã xuất hiện 266 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó có 45 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 115 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội; 32 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh; 74 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Từ kết quả trên, đến nay các cấp đã công nhận 69 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; các cấp ủy đảng tuyên dương, khen thưởng 41 tập thể, 45 cá nhân tiêu biểu, điển hình trong thực hiện phong trào…
Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, bên cạnh kết quả, phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào “Dân vận khéo”. Số lượng mô hình “Dân vận khéo” tuy nhiều nhưng mô hình mang tính hiệu quả, chất lượng, tính lan tỏa vẫn còn ít…
Để công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng tiếp tục được duy trì và phát triển, ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các cấp ủy, người làm công tác dân vận phải thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động.
Đó là “Dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, khéo hay không khéo đó là do cách làm, biện pháp làm.
Đặc biệt, phải thay đổi những nhận thức chưa đúng về công tác dân vận, đó là xem dân vận là nhiệm vụ của những người trực tiếp công tác dân vận, của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Cần chú trọng công tác dân vận chính quyền không chỉ ở mức độ gần dân, sát dân mà hiểu dân, học dân và phải trực tiếp lắng nghe ý kiến của dân, đồng thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dau-an-dan-van-kheo-o-hiep-duc-3141047.html