Khi “thầy Quảng” giỏi nghề
Chuyện “thầy Quảng” được nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhắc đến khá sớm, nhưng ban đầu chỉ liên quan đến chữ nghĩa. Trong biên khảo “Phong trào Duy tân” hồi năm 1969, ông viết: “Từ khi việc học hưng thịnh, Quảng Nam bắt đầu “xuất cảng” thầy học bên cạnh đường bát, lãnh đen…
Ông thầy Quảng cùng thầy Bắc, thầy Nghệ đến Bình Định thì thường dừng lại rồi từ đấy họ nhường chỗ cho ông thầy Quảng tự do thao túng thị trường chữ nghĩa”.
Thế rồi, hình ảnh “thầy Quảng” không còn bó hẹp ở “thị trường chữ nghĩa” nữa. Năm 2001, tại hội thảo “Quảng Nam – những giá trị văn hóa đặc trưng”, phác thảo về ông “thầy Quảng” thấy mở rộng sang chuyện có tay nghề và biết truyền nghề.
“Trong dĩ vãng nhiều người Quảng Nam được khắp miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ tôn xưng là thầy Quảng. Chữ “thầy Quảng” được tôn xưng khác với thầy Bắc và thầy Nghệ vì thầy Bắc và thầy Nghệ chỉ chuyên dạy chữ. (…) Chữ “thầy Quảng” mới nhắc ở trên thì được truyền tụng lâu đời và không chỉ riêng dạy chữ nghĩa mà còn cả các ngành, các nghề.
Vì sau năm 1860 chữ Hán không còn được dùng ở thuộc địa Nam Kỳ thì các thầy Quảng không còn những người có học thức cao, bằng cấp lớn theo ghe bầu vào Nam nữa mà chỉ còn những người có nền học trung bình cùng với những thợ thuyền có tay nghề…” (Nguyễn Văn Xuân, Người Quảng Nam với sự phát triển các ngành nghề ở miền Nam).
Học giả Nguyễn Văn Xuân luôn có hứng thú mỗi khi nhắc đến chuyện học, chuyện nghề xứ Quảng. Ông thán phục chuyện ham học nghề của tiền bối: “Vì có niềm tin tuyệt đối vào nghề là cốt yếu để hóa dân, cường quốc nên Phan Châu Trinh tới đâu cũng học nghề và sau này sống bằng nghề chụp ảnh ở Paris.
Còn Huỳnh Thúc Kháng, nhà Nho ở Việt Nam khi được đề cử đứng ra làm báo thì tuyên bố đòi “không có chuyên trách thì không làm gì xong”. Nhà Nho Việt Nam nói đến chữ chuyên trách năm 1926 vẫn còn làm tôi ngỡ ngàng. Có lẽ ông là người đầu tiên nói đến tiếng ấy!” (Phong trào Duy tân, trích).
Hòa theo dòng người Nam tiến, những nhóm người Quảng có nhiều sự khác biệt. Thí dụ ngành xây dựng, nếu lưu dân các tỉnh thành khác chỉ là “thợ đụng” (đụng chi làm nấy) thì nhóm thợ Quảng Nam được tin cậy hơn vì họ có phép tắc, biết truyền nghề cho nhau, ràng buộc lấy nhau bằng một sợi dây vô hình.
Các đoàn thương mãi tơ lụa đổ vào Nam cũng tạo nên “con đường tơ lụa đặc biệt” từ Quảng Nam, thậm chí sang cả Nam Vang. Khi các chuyên viên và thợ dệt xứ Quảng dừng chân ở khu ngã tư Bảy Hiền, một làng nghề mới liền thành hình ở đất phương Nam…
Từ thập niên 70 của thế kỷ 19, Nguyễn Thành Ý mang tơ lụa Quảng Nam sang Pháp dự cuộc đấu xảo đã là chuyện lạ. Đến thập niên 40 của thế kỷ 20, khung cửi cải tiến khổ rộng của ông Võ Diễn (Cửu Diễn) ở Duy Xuyên giúp ngành dệt bước thẳng vào hiện đại hóa, gắn mô tơ để chạy cùng lúc mấy khung dệt ở đất Sài Gòn, thì càng lạ.
Nghề cũ cứ thế lan xa trên vùng đất mới.
Đi và dừng
Trên những cánh đồng mênh mông châu thổ phía Nam, sớm có dấu chân người xứ Quảng. Giáo sư Lê Thành Khôi ghi nhận trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20” rằng, ngay từ nửa đầu thế kỷ 17, những kẻ lang thang ở Thuận Quảng, bị cảnh cùng khổ xua đuổi, đã đến định cư tại Đồng Nai. Nhà Nguyễn khuyến khích phong trào định cư này, ưu đãi về thuế khóa, để những địa chủ giàu có của xứ Thuận Quảng chiêu mộ người trong đám lê dân…
Giáo sư Lê Thành Khôi nhắc đến “một loại ghe có khoang kín do một số làng chuyên nghiệp đóng và bán”, dùng để chuyên chở gạo, gia súc, cau, muối, nước mắm, lâm sản, vải vóc… giữa vùng Gia Định và Thuận Quảng. John Barrow, nhà du hành người Anh đến Đàng Trong quãng năm 1792-1793, cũng đã ca ngợi kỹ thuật đóng ghe của các làng này.
Vậy làng nghề nào của xứ Đàng Trong đã sớm nổi trội về kỹ thuật đóng tàu từ nhiều thế kỷ trước?
Sử liệu và các ghi chép khác không thấy viết cụ thể. Nhưng qua các trang sách cũ, nhận thấy bóng dáng người con của làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng): Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại. Từ năm 17 tuổi, ngài vào Nam đầu quân với Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này), công trạng lẫy lừng và để lại ít nhiều “dấu vết” về nghề đóng tàu.
Ông Nguyễn Khắc Cường, một miêu duệ của danh nhân Thoại Ngọc Hầu, cho hay theo lời truyền từ dòng họ xuống con cháu, trong lúc phò giá ở Xiêm, ngài Thoại Ngọc Hầu đã góp sức rất nhiều trong công tác đóng chiến thuyền và đánh Miến Điện. Giáo sư Nguyễn Văn Hầu dẫn lại chuyện này trong cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” viết năm 1971.
Những “thầy Quảng” đi trên ghe bầu, hàng hóa chở trên “ghe có khoang kín”, nghề “đóng chiến thuyền” có bóng dáng của ngài Thoại Ngọc Hầu… Những chuyến hải hành như thế càng được chứng thực qua “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam. Vùng Bến Nghé Sài Gòn thuở ấy đã kịp “níu chân” lưu dân miền Trung.
“Đất đã tốt lại ở ven biển, lưu dân có thể đi ghe bầu từ miền Trung vào vàm mà lập nghiệp, ngoài huê lợi ruộng nương còn huê lợi cá tôm. Đánh lưới ngoài biển vốn là sở trường của dân Việt. (…) Nhờ đường biển, việc liên lạc về quê xứ miền Trung được thuận lợi”, nhà văn Sơn Nam lý giải.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dau-nghe-tren-dat-phuong-nam-3140896.html