Hôm trở lại Phú Quốc (Kiên Giang) sau chuyến công tác trên các đảo Tây Nam, bạn nhất định dẫn tôi đến tham quan xưởng sản xuất nước mắm – nhà thùng Phụng Hưng.
“Để biết vì sao nước mắm Nam Ô ngon không kém Phú Quốc, nhưng khai thác du lịch thì nơi này đỉnh hơn” – bạn nói. Cũng khó mà tự ái với kiểu rủ rê của bạn.
Đã đôi lần, tôi dẫn khách ghé bến An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) ăn hải sản, rồi lang thang vào xưởng nước mắm Duy Hải gần đó. Trong cơn cao hứng, tôi thao thao về con cá cơm than tháng 3 xứ này sẽ cho ra giọt nước mắm siêu ngon đến… nhức răng.
Tỉ lệ 3:1 của cá và muối đó, dường như đã bất di bất dịch, nhưng cái xê dịch ở mỗi nắm tay người ủ chượp sẽ cho ra hương vị khác nhau. Kiểu như, cũng công thức nấu món cá bống kho tiêu bà truyền lại, nhưng chẳng đứa cháu nào kho ra được đầy đủ vị. Bà thường nói, phải biết cách quán xuyến hương vị.
Khách đã ngạc nhiên bao nhiêu khi nghe cách người phụ nữ chủ xưởng mắm giải thích về độ đạm nước nhất, nước nhì rồi những nước tiếp theo ra sao.
Khách muốn ăn độ đạm bao nhiêu sẽ phụ thuộc cách tinh chỉnh các nước và hương nắng gió của xứ biển ra sao. Thứ mắm hảo hạng đi ra thế giới từ công thức ủ gia truyền cổ xưa bằng con đường nào.
Thứ mùi hương đó, khi tay chai sần theo với nghề, hẳn đã lặm vào mỗi đường chỉ tay, để rồi nên mã gen cho mỗi người còn làm nghề. Tôi có thói quen phóng to hết mức có thể đối với những bức ảnh về nghệ nhân khi phóng viên gửi hình về tòa soạn. Để xem mồ hôi trên vân tay ấy mà cảm được khó khăn họ đang đối diện.
Hôm rồi ở biển, tôi gặp lại cây bời lời. Phải 30 năm có lẻ, tôi mới nhìn thấy lại cây này. Mờ mịt trong ký ức dội về, chuyện nội chỉ cách giã trái bời lời để có nguyên liệu trộn làm bột hương. Rồi hì hụi chẻ chu hương, nhúng bột, se hương.
Bột hương thời nội còn sống được làm từ các loại cây lá quanh vườn, sau này mới thay thế bằng bột trầm. Nội nói, phải cẩn thận và kỹ càng để có nén nhang mà lạy ông bà tổ tiên, mà khấn với trời đất.
Không cần lý giải, tôi cứ tin rằng mình gốc gác Chăm, chỉ xác quyết bằng ngón chân giao chỉ của cố của nội và đầu bài văn cúng tá thổ được truyền lại từ người già trong nhà. “Chủ Ngung, Man nương/Lồi Lạc thương vong/Chăm chợ mọi rợ/Đẳng chư hương hồn/Đồng lai cộng hưởng”.
Đó là ngày còn nhỏ, khi tôi chưa đọc những cuốn sách của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú. Ông đã đưa ra nhiều luận giải về dấu vết Chăm trong đời sống người Việt nói chung và các nghề của người Việt nói riêng. Những điều đó càng khiến tôi tin rằng, gốc gác mình ở đây, nơi này chứ không phải từ cuộc di dân của người Việt trên đường mở cõi vào nam.
Hương trầm từ nén nhang cúng tá thổ vấn vít.
Nhớ một bận cách đây chừng 7 năm, lúc ngồi nghe giọt đàn tranh và nhấp ngụm trà trầm ở khu du lịch Trang trại Hoàng Trầm (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), tôi nghe tiếng tặc lưỡi, thở dài khe khẽ của đồng nghiệp.
Anh nói, xứ mình cũng trầm hương nổi tiếng từ thuở vua Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Sản vật từ trầm theo thuyền buôn sang cả Ấn, Nhật. Nhưng thời này thì thua xa cách làm ở đây.
Ở Trang trại Hoàng Trầm, từ quy trình chế tác trầm hương, sản vật từ trầm, và cả kỳ nam đều có mặt trong Bảo tàng trầm hương. Nó khiến khách đến sẽ hình dung đầy đủ từ chuyện ngậm ngải tìm trầm đến những đời sống khác của trầm ở nhân gian. Cả truyền thuyết về trầm hương và cả những huyền thoại được kể xung quanh linh thiêng của Bà Thiên Y A Na theo dấu người tìm trầm…
Những cơ sở chế biến, sản xuất sản phẩm từ trầm hương ở Nông Sơn hay Tiên Phước – nơi được coi là trung tâm trầm hương của xứ Quảng chưa đủ làm nên danh phận làng nghề tiếng tăm.
Làm thế nào để khác biệt với bao nhiêu làng nghề trầm hương ở Khánh Hòa, Huế hay Nghệ An? Bộ sản phẩm trầm hương thì khá nhiều, từ nụ trầm, trầm hương miếng, nhang trầm, tinh dầu, trang sức và bao nhiêu thứ khác. Nhưng làm thế nào để nhận biết được hương trầm xứ Quảng?
Thưởng một ly trà trầm, lại nhớ bàn tay tạo dáng cho cây trầm cảnh của nghệ nhân ở Trung Phước. Gân xanh và chai sần. Nơi đầu nguồn Thu Bồn xuôi về biển, dẫu thế nào, họ vẫn đang quán xuyến một mùi hương…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quan-xuyen-mot-mui-huong-3140482.html