Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa tri thức dân gian mì Quảng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định này yêu cầu chủ tịch UBND các cấp quản lý và bảo tồn di sản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, tri thức dân gian mì Quảng bao gồm toàn bộ quy trình từ nghiên cứu, trồng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm thô đến chế biến sợi mì và sử dụng gia vị, nước dùng. Quá trình này thể hiện yếu tố dân gian, văn hóa bản địa sâu sắc, tạo nên tô mì Quảng chính hiệu của Quảng Nam.
“Việc trồng lúa, sản xuất gạo, chế biến sợi mì, chọn nguyên liệu, gia vị… đều là quá trình lưu truyền và truyền nghề qua nhiều thế hệ, thể hiện rõ nét yếu tố văn hóa dân gian của vùng đất này”, ông Hồng giải thích.
Việc công nhận tri thức dân gian mì Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa của nghề chế biến mì Quảng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo này. Qua đó, tỉnh Quảng Nam có cơ hội đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân, và phát triển làng nghề.
Trước đó, vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề chế biến mì Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mì Quảng không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa, cốt cách của người xứ Quảng, từ thời kỳ các chúa Nguyễn cho đến nay.
Mì Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam, dung nạp và tiếp biến các nguyên liệu đa dạng trên đường, tạo nên hương vị phong phú, đặc sắc. Món ăn này chứa đựng cả diễn trình lịch sử hình thành và hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.
Hiện nay, mì Quảng đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng của món ăn này trong dòng chảy văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Trọng Nhân