Tham dự cuộc họp có đại diện các sở, ngành KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Ban quản lý các Khu kinh tế & Khu công nghiệp tỉnh, Cục Thuế và UBND các huyện, thị xã, thành phố Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành.
Những kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đề cập tại cuộc họp bao gồm: công tác giải phóng mặt bằng, thời điểm thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giao đất (phân kỳ đầu tư, xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất). Ngoài ra các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp không có đất để mua và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chịu không nổi với đơn giá cho thuê đất trả tiền hàng năm bị tính quá cao…
Doanh nghiệp kiến nghị thành lập tổ công tác giải tỏa đền bù cấp huyện và tổ công tác tháo gỡ cấp tỉnh có giám sát hằng tuần, hằng tháng, báo cáo UBND tỉnh đối với từng dự án cụ thể. Những dự án có tiền tạm ứng bồi thường lớn hơn tiền ký quỹ, nhưng dự án bị chậm tiến độ do lỗi địa phương chậm bàn giao mặt bằng, không phải lỗi do nhà đầu tư thì tiếp tục được hoãn ký quỹ và được gia hạn tiến độ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng yêu cầu cần có sự thống nhất của các sở, ban, ngành trong việc giải quyết tách thửa, chuyển nhượng, cấp sổ con từ sổ block cho doanh nghiệp đủ điều kiện, tính toán giá liên sở vật liệu sát thực tế, làm lại đơn giá thuê đất thương mại, dịch vụ…
Qua trao đổi, phân tích, UBND tỉnh đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cam kết chính quyền tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẽ nhanh chóng xem xét, giải quyết sâu sát, cụ thể từng vấn đề, từng doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cố gắng đồng hành nhà nước và doanh nghiệp, thực hiện theo đúng các quy định pháp luật. Không ai đứng ngoài pháp luật. Nghiên cứu thực hiện theo các quy định pháp luật nhanh nhất, trách nhiệm nhất và kết quả nhất. Không để chậm trễ, gây khó dễ với nhau. Cải cách hành chính cho doanh nghiệp và người dân là vấn đề lớn, để tháo gỡ khó khăn chung cho cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tục hành chính sẽ phải gọn nhẹ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không đặt thêm những thủ tục mà pháp luật không quy định. Chính quyền cam kết sẽ có trách nhiệm đồng hành thực sự với doanh nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Không sân trước sân sau. Tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp. Không một ai được quyền gây khó dễ cho doanh nghiệp. Sẽ xử lý nghiêm minh những vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh Hiệp hội doanh nghiệp là một trong những kênh thông tin, cung cấp thông tin giúp cho lãnh đạo UBND tỉnh. Nơi nào gây khó dễ cho doanh nghiệp thì UBND sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, tốt nhất cho Quảng Nam, tạo điều kiện phát triển địa phương. Các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được tháo gỡ. Sẽ giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện, giải quyết, đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết, tháo gỡ. Cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn của địa phương, góp tiếng nói chung với tỉnh khi đề xuất với trung ương tháo gỡ khó khăn. Văn phòng UBND tỉnh sẽ có thông báo kết luận cụ thể về các nội dung đã phân tích, trao đổi tại cuộc họp này.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chinh-quyen-cam-ket-se-co-trach-nhiem-dong-hanh-dem-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-cong-dong-doanh-nghiep-3139418.html