Từ các biện pháp hạn chế ở Seoul cho đến các cuộc biểu tình ở Barcelona, tình trạng du lịch quá tải đang gây ra sự kháng cự dữ dội. Nhưng Singapore lại nổi lên như một ngoại lệ!
Các biện pháp hạn chế
Chính quyền Seoul cho biết sẽ hạn chế du khách đến thăm thú ngôi làng cổ mang tính lịch sử Bukchon Hanok ở giữa Seoul, Hàn Quốc kể từ tháng 10 năm nay. Nhiều năm qua, dân cư ở đây đã phàn nàn về tiếng ồn, rác rưởi và việc vi phạm quyền riêng tư của họ. Họ cũng đã bày tỏ sự bất mãn về việc du khách tới đây quá đông, đông hơn họ – y như Hội An! – dẫn đến sự suy giảm đáng kể về chất lượng cuộc sống của họ.
Trong khi đó, Barcelona trở thành điểm nóng của tâm lý chống du lịch. Hồi tháng 7 vừa qua, người dân đã xuống đường, ném đồ, phun súng nước cũng như xịt nước ngọt đóng lon vào du khách, yêu cầu họ “về nhà”.
Người biểu tình Tây Ban Nha cũng đã tiến xa hơn; họ dùng hàng rào để chặn lối vào các khách sạn và quán cà phê vỉa hè, để các cơ sở quá đông du khách này bị buộc phải tự đóng cửa. Việc thù địch này cho thấy rõ sự bất mãn sâu sắc của người dân đối với du khách do bị gián đoạn cuộc sống hằng ngày và tài nguyên cộng đồng thì trở nên căng thẳng.
Các thành phố Amsterdam, Venice cũng là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì du lịch đã lại trở nên quá tải sau đại dịch COVID-19. Để giảm tải du lịch, Venice đang áp dụng một số biện pháp: Từ ngày 1-8 vừa qua, thành phố nhỏ tuyệt đẹp này đã giới hạn số lượng của mỗi đoàn du lịch, chỉ được tối đa 25 người để giảm tải du khách, bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống của người địa phương. Việc hướng dẫn viên dùng loa phóng thanh thì bị cấm hoàn toàn. Người hay tổ chức không tuân thủ quy định mới sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 25 đến 500 euro (27 – 541 USD).
Vẫn có ngoại lệ: Trẻ em dưới 2 tuổi và học sinh đi tham quan trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa được miễn trừ quy định nói trên. Ngoài ra, thành phố Ý này còn đánh thuế trên mỗi đầu khách du lịch 5 USD Mỹ nữa. Amsterdam thì đã hạn chế xe hơi vào trung tâm để giảm ô nhiễm và tạo thêm không gian cho người đi bộ và đi xe đạp. Các khu vực du lịch quan trọng thì đã tìm cách phân phối du khách theo thời gian, cũng như tìm cách chia khách ra để giảm tải cho những địa điểm như các kênh đào trung tâm. Theo dự kiến, đến năm 2035, tàu du lịch chạy trên các kênh đào của Thủ đô Hà Lan sẽ bị cấm hoàn toàn.
Ưu tiên khách có tiền
Ở gần Việt Nam hơn, một số doanh nghiệp Nhật đang xem xét áp dụng hệ thống giá kép: thu phí cao hơn đối với du khách nước ngoài so với du khách trong nước. Chuyện này đã xuất hiện sau các sự cố như việc phải dựng rào chắn tại các điểm chụp ảnh nổi tiếng để ngăn tầm nhìn núi Phú Sĩ gần Tokyo do đám đông không giữ được trật tự.
Trên thực tế, giữa cơn bão du lịch toàn cầu đang gây ra quá tải, cách tiếp cận của Singapore về du lịch đã nổi bật lên hẳn. Đảo quốc này tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và ưu tiên cho du khách chất lượng cao, hầu bao rủng rỉnh hơn là du khách đại chúng. Nhờ vậy, Singapore đã không bị người dân phản đối như ở những nơi đông khách du lịch khác.
Chiến lược của Singapore đã dựa vào báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (OMC) phổ biến hồi năm 2018, nhấn mạnh đến tăng trưởng bền vững và du lịch chất lượng.
Ông Christopher Khoo – Giám đốc điều hành của MasterConsult Services, chuyên về tư vấn du lịch, nói: “Singapore đã theo đuổi du lịch “chất lượng” ngay từ năm 2013, nhằm thu hút du khách chi tiêu nhiều hơn, thay vì chỉ nhắm đến việc tăng số lượng du khách”.
Cam kết của Singapore đối với du lịch bền vững cũng phù hợp với Kế hoạch Xanh 2030 của nước này. Các sáng kiến như Trung tâm Trải nghiệm Porsche sẽ ra đời và các điểm du lịch chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới đã được thiết kế để thu hút du khách có tiền. Nước này cũng nhắm tới việc phân bổ lưu lượng du khách trên toàn đảo quốc, ngăn chặn sự quá tải ở mọi khu vực. Singapore gần giống như một thành phố nhỏ, không lớn hơn Hội An bao nhiêu, nhưng hiện đại hơn nên việc quản lý du khách hầu như không đụng phải khó khăn nào.
Các công ty du lịch Singapore còn đóng góp thêm vào chiến lược trên, bằng cách lên lịch cho du khách tới các điểm tham quan nổi tiếng vào các ngày trong tuần và quảng bá những khu vực ít được biết đến, giúp phân phối lượng du khách dàn ra, đều hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Singapore, năm 2019, có 19,1 triệu du khách đến nước này. Con số đó đã giảm mạnh sau đó, trong hai năm đại dịch, và bắt đầu tăng trở lại vào năm 2022. Năm ngoái, đảo quốc đã đón được 13,6 triệu du khách; con số trong 5 tháng đầu năm nay là 6,99 triệu, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đừng quên trách nhiệm đối với du lịch không chỉ nằm ở các điểm đến mà còn chính ở du khách nữa. Sayaka Kondo, một nhà nghiên cứu du lịch, nhận xét: “Mạng xã hội có thể là một công cụ hữu ích. Du khách nên nghiên cứu và nhận thức về phép tắc ở địa phương trước khi du lịch”.
Khi Singapore tiếp tục phát triển du lịch, việc duy trì sự cân bằng giữa thu hút du khách với bảo vệ chất lượng cuộc sống cho người dân sẽ rất quan trọng. Bằng cách tập trung vào các thực hành bền vững và du lịch chất lượng cao, Singapore nhắm đến việc giữ vững vị thế và tránh xa bẫy du lịch quá tải mà các điểm đến toàn cầu khác đã và đang mắc phải như Hội An hiện nay.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khac-phuc-van-nan-du-lich-qua-tai-3139221.html