Truyền thống sĩ phong
Mặc dù giáo dục khoa cử Quảng Nam hình thành muộn do yếu tố lịch sử, địa lý, nhưng lại có sự phát triển rất nhanh chóng. Những danh xưng “ngũ phụng tề phí”, “tứ hổ”, “tứ kiệt”, “ngũ tử đăng khoa”, “phụ tử đăng khoa” như chứng minh cho sự kết tinh, thăng hoa của giáo dục khoa cử đất Quảng.
Học đi đôi với hành. Những người đỗ đạt đất Quảng được triều đình bổ dụng, trở thành rường cột quốc gia. Sở học của họ được đem ra kinh bang tế thế và dùng để… dạy vua, thậm chí “cãi” với vua.
Những người đỗ đạt này khi làm quan luôn được khen là thanh liêm, công minh, chính trực, quả cảm, nghĩa khí, khẳng khái, thương dân, có học hạnh. Đặc biệt, 4 chữ kim khánh “Liêm – Bình – Cần – Cán” mà vua Tự Đức ban cho Nguyễn Tạo – Đốc học Quảng Nam, là niềm tự hào của người Quảng.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Giới trí thức Quảng Nam luôn ý thức tiếp nhận tư tưởng, học thuật mới, như phong trào tân thư, Đông du, Đông Kinh nghĩa thục.
Khi đi sứ hay công cán ở nước ngoài, họ luôn chú ý, quan sát sự tiến bộ khoa học kỹ thuật để mang về nước áp dụng như trường hợp Phạm Phú Thứ; hay chủ động tham vấn, cầu học để mở rộng kiến văn như trường hợp Nguyễn Thuật hỏi các trí giả Trung Quốc và gốc Anh quốc.
Vốn liếng để cãi
Hoạt động khoa học dựa trên nền tảng vốn kiến thức đã có. Vốn kiến thức này được truyền tải qua những trang sách.
Đất Quảng từ thế kỷ 17 đã có gia đình ở Hội An tích chứa rất nhiều sách, đến nỗi học giả nổi tiếng Trung Quốc và nổi tiếng ở Nhật Bản là Chu Thuấn Thủy cũng hết sức ngạc nhiên về sự việc này.
Hầu như toàn bộ số sách (ấn bản từ Trung Quốc) mà Chu Thuấn Thủy đề cập, gia đình kia đều có sẵn trong nhà. Đây là một minh chứng cho thấy người Quảng quan tâm đến vốn liếng học thuật – tài sản tri thức.
Vốn liếng khoa học còn thể hiện ở sự sở đắc về học vấn và tri thức. Các nhà nghiên cứu đất Quảng có một vốn liếng tri thức phong phú, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng như GS.Hoàng Tụy, GS.Huỳnh Lý, GS.Lê Trí Viễn, GS.Lê Đình Kỵ, GS.Nguyễn Quang Hồng, TS.Huỳnh Công Bá…
Ngoài ra, đất Quảng còn một lớp nhà nghiên cứu không học hàm học vị nhưng kiến thức về địa phương học hay một mảng học thuật nào đó hết sức sâu rộng.
Đức tính khoa học cũng là một vốn liếng khoa học. Nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá được nhiều giáo sư Bắc Hà khen ngợi về đức tính khoa học.
GS.Chương Thâu đã nhận xét về ông: “Với một hệ thống tư liệu hết sức phong phú được dẫn dụng (…), có rất nhiều tư liệu rất mới, được phối kiểm công phu…, đủ thấy tác giả đã làm việc một cách thận trọng, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao”.
Phải cãi cho chính
Mạnh Tử từng dặn “Tận tín thư bất như vô thư” (Quá tin vào sách chi bằng không có sách). Người làm khoa học phải luôn có tinh thần phản tư, phản biện, hoài nghi về tri thức hiện có để tìm kiến giải mới.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá đã đính chính lại những cách giải thích sai về nguồn gốc địa danh “Đà Nẵng”, hay những cách phiên âm sai về nhiều địa danh làng xã trong các bản dịch của sách “Ô châu cận lục”, “Phủ biên tạp lục”, đính chính nội dung sách của học giả Đào Duy Anh. Thậm chí, ông còn đính chính một số chỗ hiểu sai và dịch sai về tư liệu văn bia trong công trình Văn khắc Hán Nôm Việt Nam.
Khi GS.Trần Quốc Vượng đặt nghi vấn: “Tôi (tức GS.Vượng) đã đi điền dã từ Quảng Bình – Quảng Trị (nam sông Gianh) đến Quảng Nam – Khánh Hòa, trừ địa danh Ấp Bắc ở Mỹ Tho châu thổ Mê Kông, không thấy ở đâu có địa danh mang tên Bắc.
Thí dụ (…): Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung… (Duy Xuyên); Cẩm Nam, Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Thanh, Cẩm Châu… (ngoại vi Hội An). Vì sao họ kỵ tên Bắc?”
Nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá (lúc đang là “học trò” – nghiên cứu sinh) đã “phản biện”: “từ Quảng Trị vào đến Quảng Nam, không hề có sự “kỵ” tên Bắc.
Ví dụ: Ở “Ô châu cận lục” (thế kỷ 16): Thuộc châu Minh Linh có xã Bắc Bạn. Ở “Phủ biên tạp lục” (thế kỷ 18): Tại tổng Phúc Long (huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn) có xã Bắc Lâm. Tại thuộc Biệt Nộp (phủ Thăng Hoa) có xã Yêu Bắc”.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá còn dẫn dụng các bản đồ cổ để nêu các địa danh khác của đất Quảng có yếu tố “Bắc” như xã Bắc Thôn (2 lần), Ấp Bắc, Phong Lệ Bắc, Cẩm Lệ Bắc, Bắc Ấp (3 lần), Làng Bắc, Chính Bắc, Bắc Lâm, Bắc Mỹ…
Ông còn lý giải về sự ít xuất hiện yếu tố “Bắc” trong địa danh ở đất Quảng: “Người dân Việt cứ tiếp tục di cư vào Nam. Khi đến một nơi họ lập làng mới và đặt tên cho nó một cái tên (ví dụ: tên X). Về sau, khi dân làng này mở đất tiếp về phía nam và đặt tên là “X Nam”. Còn làng cũ, do tập quán không thay đổi và người ta vẫn gọi là “X”, chứ không phải là “X Bắc”…
Tinh thần phản biện khoa học không chỉ thường trực trong giới hàn lâm đất Quảng mà còn luôn chảy trong người của những nhà nghiên cứu địa phương không có học vị.
Trường hợp nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo là một ví dụ. Ông từng có nhiều bài viết phê bình, phản biện các đề tài, công trình nghiên cứu về đất Quảng của các tác giả có học hàm, học vị.
Tiêu biểu ông phản biện công trình Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng, phản biện cách lý giải địa danh “Nại Hiên” của các nhà nghiên cứu tên tuổi ở đất Quảng, đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng.
Nhà nghiên cứu trở thành “thầy cãi” dân gian. Họ có vốn liếng tri thức làng xã, am hiểu tư liệu Hán Nôm. Chính điều này đã giúp cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết tranh chấp Tiền hiền, Hậu hiền ở nhiều làng xã trên dải đất miền Trung.
Đây chính là uy tín học thuật của những nhà khoa học đất Quảng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nguoi-quang-hay-cai-trong-hoc-thuat-3139044.html