Đó là Nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản, đặt tại số 6 Nguyễn Thị Minh Khai. Thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An, khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày trước là khu phố của các thương nhân Nhật Bản (Nhật Bản Đinh) với các hoạt động giao thương tấp nập vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đây cũng là nơi mở đầu cho mối giao lưu văn hóa giữa Hội An, Việt Nam với xứ sở Phù Tang.
“Ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi, được xây theo dạng thức hình ống, kiểu xây nhà phổ biến ở thương cảng Hội An thời bấy giờ với 3 nếp nhà. Bộ khung nhà có kết cấu khá độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Ðông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây.
Hệ vì kèo chính được sử dụng là cột trốn kẻ chuyền, với lối kiến trúc khá đơn giản so với nhiều ngôi nhà khác tại khu phố cổ, tuy nhiên không vì thế mà làm giảm đi nét đẹp của công trình. Di tích nhà số 6 Nguyễn Thị Minh Khai cung cấp nhiều thông tin có giá trị về lối sống của tầng lớp thương nhân tại thương cảng Hội An xưa” – thông tin từ Trung tâm QLBTDSVH Hội An.
Nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Hội An cung cấp khá nhiều thông tin, hình ảnh, hiện vật tư liệu liên quan đến hệ thống thương mại Châu Ấn thuyền cũng như sự kết nối Hội An, Đàng Trong với các địa phương của Nhật Bản từ xưa đến nay.
Đặc biệt, trong không gian này có gian dành để trưng bày, giới thiệu về thành phố Sakai, tỉnh Osaka. Đây vốn dĩ là một hải cảng quan trọng của Nhật Bản thời Trung đại, có nhiều mối quan hệ giao thương với thương cảng Hội An trong quá khứ và cũng là một trong những địa phương nước ngoài kết nghĩa sớm nhất với Hội An từ những năm 2000.
Tư liệu từ Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, Sakai là quê hương của ngài GoSokukun – thị trưởng đầu tiên của khu phố Nhật tại Hội An. Hiện nay phần mộ của ông nằm tại phường Tân An, Hội An.
Trong sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản này, Nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản là nơi diễn ra khá nhiều các cuộc triển lãm cũng như hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nơi đây đang diễn ra triển lãm “Búp bê Nhật Bản” với 29 tác phẩm búp bê truyền thống từ nhiều chất liệu, bao gồm cả giấy, vải và gỗ.
Theo Ban tổ chức, bộ sưu tập này không chỉ làm toát lên khía cạnh nổi bật của văn hóa Nhật Bản mà còn thể hiện nét đẹp tâm hồn, khí phách của người dân xứ sở Phù Tang.
Du khách đến Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản sẽ được chìm trong không gian trình diễn và thưởng thức trà đạo Nhật Bản cũng như tham gia các hoạt động gấp giấy Origami.
Và không chỉ vào các dịp lễ hội, ngày thường, đây cũng là điểm đến của những người yêu văn hóa Nhật với những hoạt động dạy hát tiếng Nhật hoặc trình chiếu các bộ phim về đất nước Nhật Bản…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/kham-pha-nhat-ban-giua-long-pho-hoi-3138998.html