Ông Phan Xuân Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: Văn hóa là nền tảng cho sự phát triển cả hiện tại lẫn tương lai
Năm 2024 đánh dấu chính thức 420 năm (1604-2024) sự ra đời của danh xưng và phát triển vùng đất Duy Xuyên. Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập các giá trị lịch sử, văn hóa, đóng góp lớn vào tiến trình phát triển của lịch sử Quảng Nam và lịch sử dân tộc, trở thành vùng đất giàu các giá trị truyền thống lịch sử, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng.
Duy Xuyên còn là vùng đất thiêng, chứa đựng hệ thống trầm tích văn hóa – tín ngưỡng, tôn giáo độc đáo với dấu ấn Mỹ Sơn – Trà Kiệu là hai trung tâm thánh địa, điều hiếm thấy ở Việt Nam.
Hệ thống các di tích, dấu vết Sa Huỳnh, điêu khắc Chăm cổ ở Mỹ Sơn – Trà Kiệu không chỉ có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hoá mà còn là cuốn sử viết bằng gạch, đá, phản ánh trung thực sự hình thành và phát triển văn hóa, nghệ thuật, đời sống cư dân, xã hội Champa và bề dày phát triển của vùng đất Duy Xuyên.
Thời gian tới, Duy Xuyên xác định tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, xem đây là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững cả hiện tại lẫn tương lai.
Đồng thời hoạch định các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… để phục vụ phát triển ngành du lịch. Chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với loại hình du lịch giải trí – nghỉ dưỡng – văn hóa – sinh thái, gắn với tăng cường thu hút đầu tư nhằm tạo ra vệt du lịch sinh thái cộng đồng làng quê…
Đặc biệt, tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó, nhân ái, giàu lòng yêu nước, bản lĩnh kiên cường, khát vọng vươn lên của vùng đất và con người nơi đây, nhất là tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Duy Xuyên trở thành thị xã vào năm 2030 và những năm tiếp theo.
PGS-TS. Nguyễn Văn Đăng – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế: Duy Xuyên là nơi hội tụ các dòng họ thế gia vọng tộc
Duy Xuyên là vùng đất học nổi tiếng của Quảng Nam. Chỉ tính riêng dưới triều Nguyễn, số người đỗ đạt Nho học đứng thứ hai trong 6 huyện của tỉnh, sau huyện Diên Phước. Duy Xuyên có 60 cử nhân, 7 tiến sĩ, phó bảng.
Sau 1471 cho đến đầu thời chúa Nguyễn (thế kỷ 16) là thời điểm hình thành các làng cổ ở Duy Xuyên. Ngoài 7 làng chưa rõ tông tích thì huyện Duy Xuyên có 7 làng cổ gồm Bồn Khúc (hay Thu Bồn), Minh Châu (hay Thanh Châu), Chiêm Sơn, Lang Châu, Vân Quật, Bàn Thạch, Mạc Xuyên (Mỹ Xuyên)…
Từ việc khái quát các làng xã cổ của Duy Xuyên, chúng tôi tìm hiểu một số dòng họ nổi tiếng của các làng xã trên vùng đất này. Đặc biệt ba dòng họ thế gia vọng tộc, có vai trò lớn không chỉ trong làng xã mà cả phạm vi huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam là họ Đoàn của Đoàn Quý Phi ở làng Đông Yên (xã Duy Trinh), dòng họ Nguyễn Trường của Mạc Cảnh Huống ở làng Trà Kiệu/Ngũ Xã (xã Duy Sơn), dòng họ Võ Văn – Võ Đức làng Bàn Thạch (xã Duy Vinh).
Ngài Thủy tổ Bổn cảnh Khai cơ Đoàn Công Huyền theo vua Lê Thánh Tông nam chinh rồi xin ở lại, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu gọi là Đông Yên châu, Hà Đông huyện, xứ Quảng Nam.
Con cháu tộc Đoàn tiếp tục khai hoang mở đất. Khoảng thời gian 1560-1570, Thủy tổ vào Nam kêu gọi mọi người khai phá đất, tạo lập hơn 500 mẫu, công tư điền thổ và đặt tên làng. Làng Trà Kiệu hình thành cách đây 553 năm kể từ thời 13 vị Thủy tổ tiền hiền rời vùng đất Thanh – Nghệ – Tĩnh và những nơi khác ở phía Bắc theo vua Lê Thánh Tông mở đất năm 1471. Đất Ngũ Xã Trà Kiệu có những hào kiệt xông pha trận mạc, phò vua mở đất.
Nhiều dòng họ lớn ở Đàng Ngoài đã chọn định cư, tiếp tục truyền nối công cuộc mở cõi, lập nghiệp trên đất Duy Xuyên. Các dòng họ đóng góp quan trọng trong việc khai hoang, mở mang ruộng đất, lập làng, phát triển kinh tế.
Dòng họ và văn hóa dòng họ tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất. Trên phương diện đó, có thể nói dòng họ ở Duy Xuyên góp phần tạo nên bản sắc văn hóa xứ Quảng: lối sống nghĩa tình, thủy chung, tinh thần chuộng nghĩa, trọn hiếu với gia tộc – trọn trung với dân tộc, ham học, hiếu học.
TS. Lê Thị Thu Hiền – Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: Khai thác giá trị sông Thu Bồn phát triển du lịch
Dòng sông Mẹ Thu Bồn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa truyền thống của xứ Quảng nói chung, huyện Duy Xuyên nói riêng.
Con sông Thu bồi đắp cho mảnh đất Duy Xuyên đồng bằng phù sa màu mỡ, hình thành sinh kế chủ đạo của người dân là nông nghiệp.
Mặt khác, sông Thu khơi nguồn cho những giai thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian, chưa đựng trầm tích lịch sử – văn hóa cùng nhiều làng nghề nổi tiếng ven sông…
Từ những tiềm năng, lợi thế đó, tôi nghĩ chính quyền huyện Duy Xuyên cần phải có quy hoạch rõ ràng, bài bản cho phát triển du lịch đường sông, kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến, ban hành bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.
Cần có chính sách kết hợp khai thác gắn với bảo tồn các giá tị văn hóa sông nước truyền thống, chú trọng trùng tu di tích, nâng cấp quy mô lễ hội truyền thống như Bà Thu Bồn, bà Chiêm Sơn, phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống.
Một vấn đề quan trọng khác là những giá trị văn hóa được tạo nên từ dòng sông Thu có thể tồn tại lâu dài và phát huy hiệu quả chỉ khi nào sông Thu Bồn còn hiện tồn một cách nguyên vẹn. Do đó huyện Duy Xuyên cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng xói lở, sạt lở thông qua việc triển khai các biện pháp công trình và phi công trình.
Duy Xuyên cần thúc đẩy sự liên kết với các địa phương khác dọc theo tuyến sông Thu Bồn như Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An để thiết kế đa dạng điểm đến trong chương trình tour, giúp du khách có những trải nghiệm du lịch mới mẻ và đầy hấp dẫn. Thiết lập sự liên kết, đồng thuận giữa các bên trong trong phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa sông nước: chính quyền – công ty du lịch – cộng đồng địa phương hợp tác trên nguyên tắc cùng chia sẻ lợi ích.
Cùng quá trình tụ cư, khai khẩn, lập làng, phát triển nông nghiệp, thương nghiệp thì các ngành nghề thủ công nghiệp ở Duy Xuyên ra đời khá sớm, thể hiện đặc trưng của đất và người, góp phần đắc lực vào sự đặc sắc của thủ công nghiệp Quảng Nam.
Nét riêng của ngành nghề thủ công nghiệp Duy Xuyên là có sự tiếp nhận, hòa hợp giữa người Việt, người Chăm, người Hoa và người phương Tây. Cùng vị trí địa lý đắc địa, dưới tác động của dinh trấn Quảng Nam, trị sở Quảng Nam, thương cảng Hội An, phố cảng Đà Nẵng, tòa công sứ của Pháp, sự ảnh hưởng của luồng thương mại khu vực Đông Nam Á và thế giới đã thúc đẩy thủ công nghiệp Duy Xuyên phát triển đa dạng, phong phú mà hiếm nơi nào có được.
(TS. Nguyễn Minh Phương – Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)
Nguồn: https://baoquangnam.vn/420-nam-dinh-danh-vung-dat-giau-ban-sac-3138970.html