Diễn ra từ ngày 1 – 4/8, hội thi có sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thi, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) nói, Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, được nhiều thế hệ sáng tạo và lưu truyền cho đến ngày nay. Kho tàng di sản văn hóa ấy là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, là nguồn lực nội sinh để các thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, vun đắp, bảo tồn và phát huy, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh…
“Cả nước hiện có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh hoặc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày càng nhiều lễ hội truyền thống được duy trì, gắn với phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống.
Nhiều tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu và phục dựng nhằm bảo đảm sự đa dạng và phong phú của sắc thái văn hóa các vùng miền. Nhiều tấm gương sáng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”…
Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Nam có hơn 30 nghệ nhân, diễn viên quần chúng là đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang đại diện cho tỉnh Quảng Nam tham gia Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc với các nội dung: Trình diễn trang phục truyền thống; Trình diễn nghi lễ truyền thống; Trình diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống; Trình diễn Ẩm thực dân gian…
Ngay trong đêm khai mạc, Đoàn Quảng Nam đã rước biểu tượng vật thiêng là mô hình nhà Gươl – kiến trúc truyền thống của người Cơ Tu. Đây là thiết chế văn hóa quan trọng và tiêu biểu nhất, là linh hồn của cộng đồng làng…
Sau lễ khai mạc là phần thi diễn xướng dân gian của một số địa phương. Sáng nay 2/8 hội thi tiếp diễn với nội dung thi ẩm thực.
Hội thi là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc. Qua đó, khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khai-mac-hoi-thi-dien-xuong-dan-gian-van-hoa-cac-dan-toc-nam-2024-3138890.html