Dấu ấn văn hóa Pháp
Kiến trúc Pháp được xem là nền tảng bước đầu để Đà Nẵng hình thành đô thị. Lần giở lịch sử, ngay từ năm 1888, người Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng hạ tầng, công sở đúng theo phân khu và phong cách Tây Âu.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đường Bạch Đằng (sau này) của Đà Nẵng, cũng là con đường đầu tiên được hình thành, với tên ban đầu là Quai Courbet. Đến năm 1902, thêm một tuyến đường được mở, chạy song song trục bắc nam với đường Bạch Đằng.
Cũng trên 2 tuyến đường nằm cạnh và gần với sông Hàn, người Pháp đã xây dựng Tòa Đốc lý, Ty kiểm toán thuế, Tòa án, Nhà dây thép, Ty hành thu quan thuế, Sở quan thuế và công quản Trung Kỳ, Phòng thương mại và nông nghiệp, Nhà thờ và Bệnh viện Pháp (trong khuôn viên Thành Điện Hải)… Các nhà sử học nhận định, đây chính là những “kiến trúc Tây” xuất hiện sớm nhất làm nên diện mạo của buổi đầu đô thị Đà Nẵng.
Trong khi đó, tại Hội An, theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện đô thị cổ Hội An còn nhiều di tích kiến trúc kiểu Pháp, tập trung phần lớn ở phía tây phố Nguyễn Thái Học, phía đông khu phố cổ trên phố Phan Bội Châu.
Hiện tuyến Phan Bội Châu có 56 di tích nhà ở, trong đó bao gồm 33 di tích loại 2, hơn 10 di tích loại 3 và 12 di tích loại 4, phần lớn mang kiểu thức kiến trúc Pháp.
Tại tuyến phố Phan Bội Châu, một nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn đã thành lập Bảo tàng “Di sản vô giá” – trưng bày những bộ phục trang truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam cũng như hình ảnh về cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam. Réhahn nói, sở dĩ ông chọn việc đặt bảo tàng tại cung đường này, chính vì nhìn thấy dấu ấn, phong cách Pháp đậm nét ở đây.
Chia sẻ bảo tồn di sản
Hợp tác để bảo tồn di sản là mục tiêu chung của hai quốc gia Pháp và Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2022, dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Đoàn kết các dự án đổi mới (FSPI) của Bộ Ngoại giao Pháp, góp phần phát huy các giá trị di sản của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Dự án đã triển khai 3 hợp phần, đều liên quan đến lĩnh vực bảo tàng tại các địa điểm di sản của Việt Nam.
Các chuyên gia Pháp đã hỗ trợ để phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam như bảo quản bộ sưu tập, xây dựng nội dung trưng bày, thiết kế không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng.
Dự kiến cuối năm 2024, cuốn sách “Bảo tàng học”- cẩm nang của các chuyên gia bảo tàng Pháp, sẽ hoàn thành chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo cho việc phát triển giảng dạy ngành nghề về bảo tàng tại Việt Nam.
Cạnh đó, 3 dự án thí điểm nằm trong khuôn khổ tổng dự án, được thực hiện tại 3 địa điểm ở Việt Nam, bao gồm: cải tạo Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương – Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam; hỗ trợ biên soạn nội dung trưng bày của Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường của Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam); Khu vực phía Nam, tại TP.Hồ Chí Minh: thiết kế và sản xuất công cụ truyền đạt nội dung bằng âm thanh mang tên “chiếc hộp kể chuyện”.
Sau quá trình triển khai từ năm 2022 đến 2024, dự án cho thấy kết quả tổng thể khả quan ở nhiều khía cạnh. Ngoài đáp ứng mục tiêu phát huy giá trị chuyên môn và chuyển giao những kinh nghiệm quý báu của Pháp trong lĩnh vực bảo tàng, dự án còn tạo lập mối liên hệ sâu sắc giữa các cơ quan văn hóa và di sản của Việt Nam, cũng như với các đối tác của Pháp như Trung tâm Khoa học công nghệ Universcience, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris, Bảo tàng Confluences và Viện Di sản quốc gia Pháp.
Cuối cùng, dự án đã đóng góp vào việc tạo nên một mạng lưới bảo tàng và làm giàu thêm các hoạt động hợp tác với Pháp. Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, cho biết: “Dự án này tiếp nối những hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề mở ra những dự án hợp tác mới ngay trong năm 2025”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hop-tac-chia-se-va-giu-gin-di-san-3138295.html