Riêng với câu chuyện xúc tiến thương mại, nhiều năm nay, đã thấy mở ra cơ hội với lựa chọn “đi về phía Nam” của doanh nghiệp xứ Quảng. Từ phía quê nhà, những kỳ vọng lẫn chờ đón cuộc “trở về” của doanh nghiệp phía Nam đã và đang được nhen lên…
KHAI THÁC THỊ TRƯỜNG MIỀN NAM
Những cuộc “Nam chinh” của các doanh nghiệp Quảng Nam đã tạo bước tiến mới trong phát triển thị trường các dòng sản phẩm OCOP, thủ công nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp người Quảng ở phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư về quê hương.
Tìm đối tác phía Nam
Cột mốc đánh dấu bước phát triển mới trong mở rộng thị trường phía Nam của HTX Quế Trà My – Minh Phúc, chính là lần đưa sản phẩm trưng bày giới thiệu tại sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 6/2023.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê – Giám đốc HTX Quế Trà My – Minh Phúc, cho biết, tại đây, chị được tiếp cận với nhiều khách hàng mới, biết được nhu cầu sử dụng quế trong nấu ăn, xông nhà – xe của người dân miền Nam rất lớn.
Sau sự kiện đó, khi có bất kỳ cơ hội nào được quảng bá sản phẩm ở thị trường phía Nam, chị đều đăng ký tham gia. Sau sự kiện đồng hương, chị tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam – VIETNAM EXPO, Ngày hội Khởi nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh – TechFest Whise, Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế.
“Tại những sự kiện đó, tôi được tiếp cận với rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt là những khách đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Lượng khách hàng từ thị trường phía Nam của tôi tăng trưởng 30%.
Tiềm năng thị trường này rất lớn và có khả năng xuất khẩu thông qua các đơn vị phân phối nhưng HTX vẫn còn quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung sản xuất và nâng cấp sản phẩm, trong khi năng lực thương mại vẫn còn hạn chế.
Chúng tôi kỳ vọng vào thị trường miền Nam ở những sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối đối tác là đồng hương, nhà phân phối và các chủ nhà hàng, khách sạn, resort… để đưa sản phẩm quế Trà My đi xa” – bà Lê nói.
Phần lớn các sự kiện đều phục vụ bà con đồng hương là khách hàng mua lẻ, sản phẩm chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu, quảng bá chứ chưa phát huy được vai trò xúc tiến thương mại. Vì vậy, chúng tôi mong có nhiều diễn đàn kết nối sâu hơn trong các sự kiện đồng hương tại phía Nam, ngoài chào đón khách hàng là bà con đồng hương tham quan, mua sắm đặc sản quê hương thì cũng nên có những chương trình gặp gỡ giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các đối tác là nhà phân phối, đại lý, chuỗi cửa hàng – siêu thị, chủ cơ sở dịch vụ… để chúng tôi có thể xúc tiến được những đơn hàng lớn hơn, lâu dài và bền vững hơn
Ông Phan Đình Tuấn – Giám đốc HTX Sản xuất – thương mại Bảo Linh chia sẻ
Đón lấy cơ hội nhanh chóng hơn tại sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, HTX Sản xuất – thương mại Bảo Linh đã tiếp cận được một đồng hương người Quảng đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Từ sự kết nối này, sản phẩm bánh dừa nướng Bảo Linh đã có cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc và các nước Tây Á.
Không chỉ riêng 2 HTX kể trên khi tiếp cận với thị trường phía Nam thông qua những sự kiện đồng hương mà nhiều đơn vị khác như HTX Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu… cũng đã tìm đường đưa sản phẩm đến thị trường phía Nam và thậm chí ra quốc tế.
Quay lại quê nhà
Là một thương hiệu của người Quảng ở TP.Hồ Chí Minh đầu tư về quê hương từ năm 2006, Xí nghiệp May Ánh Sáng đến nay đã có 7 cơ sở, bao gồm Duy Xuyên 3 cơ sở, Quế Sơn 3 cơ sở và Thăng Bình 1 cơ sở.
Lúc phát triển thịnh vượng, toàn xí nghiệp có gần 2.000 công nhân, nhưng sau dịch COVID-19, đơn hàng ít dần, số lượng công nhân chỉ còn hơn 1.000 người.
Ông Trương Đức Thịnh (quê xã Duy Phước, Duy Xuyên), hiện là Phó Tổng Giám đốc Điều hành Xí nghiệp May Ánh Sáng cho biết, quyết định về quê xây dựng nhà máy của công ty không ngoài mong muốn đưa công việc về cho bà con, hỗ trợ bà con ly nông, bất ly hương.
Mức thu nhập trung bình của mỗi công nhân hiện nay tại Xí nghiệp May Ánh Sáng từ 7 – 16 triệu đồng hưởng theo năng lực của từng công nhân, sản xuất trong hệ thống tinh gọn và chỉ làm việc theo giờ hành chính. Tại TP.Hồ Chí Minh, đơn vị chỉ giữ lại bộ phận kinh doanh và hành chính – văn phòng còn toàn bộ công đoạn sản xuất đều diễn ra ở Quảng Nam.
“Thời gian đầu mới về đầu tư xây dựng nhà máy, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, việc người dân địa phương vừa bỏ cái cày, cái cuốc bước chân vào nhà máy vẫn chưa có thói quen công nghiệp nên phải mất thời gian dài họ mới thích ứng môi trường. Thuận lợi của chúng tôi là các cấp chính quyền tạo điều kiện hết sức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý, tuyển dụng…
Hiện nay, ngành may ở Quảng Nam đã tương đối bão hòa về lực lượng lao động, trong khi sản lượng đơn hàng chung trên thị trường tụt giảm nghiêm trọng. May mắn chúng tôi vẫn có những đơn hàng bền vững từ Mỹ, nên vẫn đủ duy trì hoạt động sản xuất” – ông Thịnh nói.
Hiện ông Thịnh là một trong số ít doanh nghiệp đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh đầu tư về Quảng Nam. Ông Thịnh nói, nếu không vì bà con quê nhà, nhiều doanh nghiệp sẽ có hướng đi “dễ thở” hơn khi đặt nhà máy tại thành phố.
Ông Thịnh cũng nêu ra nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp đồng hương ngại đầu tư về quê nhà. Trong đó, có 2 lý do lớn như khoảng cách về địa lý gây khó khăn trong quá trình quản lý vận hành, điều tiết công việc giữa thành phố và quê nhà.
Ngoài ra, lực lượng lao động ở Quảng Nam có tay nghề tương đối hạn chế ở nhiều lĩnh vực, những nhân sự chất lượng cao lại có xu hướng đến thành phố, riêng đối với nhân sự liên quan công nghệ, marketing thì gần như ở quê rất hiếm.
Kỳ vọng thu hút đầu tư
Kỳ vọng kết nối thương mại và xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp Quảng Nam và doanh nghiệp đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh được đặt ra tại Lễ hội đồng hương năm 2024.
Theo đó, trong chuỗi sự kiện đồng hương lần này, ngoài hoạt động trưng bày giới thiệu gần 200 sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm công nghiệp – nông thôn tiêu biểu thì còn có Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam năm 2024 và Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam”.
“Ngoài việc tổ chức họp mặt truyền thống đồng hương Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh nhằm thăm hỏi, kết nối, đoàn kết bà con…, thì sự kiện lần này là dịp để thông tin tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam nhằm xúc tiến thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là bà con đồng hương về đầu tư, phát triển trên địa bàn tỉnh.
Cạnh đó, tổ chức, kết nối, quảng bá và đẩy mạnh thương mại sản phẩm Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu. Hỗ trợ, tư vấn, đào tạo phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp, sản phẩm OCOP và sản phẩm nông thôn tiêu biểu” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ
Trong tình hình kinh doanh khó khăn, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngách được xem là cơ hội để các doanh nghiệp Quảng Nam xoay xở tiêu thụ sản phẩm, kết nối khách hàng.
Đẩy mạnh bán hàng qua hội chợ
Tham gia Lễ hội đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh lần này, ông Đỗ Tấn Sự – chủ Cơ sở sản xuất Trầm hương Cơm Chùa (khối phố Bình An, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) sẽ đưa sản phẩm vào trưng bày và kinh doanh.
Trước đó, hồi tháng 6, trầm hương Cơm Chùa cũng đã có mặt tại hội chợ giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại TP.Đà Nẵng.
Với khoảng 10 sản phẩm được chế tác từ trầm hương và quế, từ hơn 2 năm nay, cơ sở sản xuất này thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để bán hàng, kết nối đối tác.
Bình quân sau mỗi lần tham gia hội chợ, doanh số đơn vị đạt khoảng 10 triệu đồng, cá biệt có hội chợ doanh số bán hàng vượt 20 triệu đồng.
“Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, hội chợ là cơ hội giúp mình bán được hàng, đặc biệt giúp mở rộng thị trường kết nối nhiều đối tác làm ăn hơn” – ông Sự chia sẻ.
Vài năm gần đây, hội chợ được xác định là cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bà Trương Thị Thùy Trang – chủ Cơ sở Đông trùng hạ thảo Võ Thành Quốc (Điện Nam Đông, Điện Bàn) nhìn nhận, ngoài tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả lớn nhất khi tham gia hội chợ thương mại chính là kết nối khách hàng mới, đặc biệt quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp. Đó là lý do hội chợ nào trong tỉnh bà Trang cũng tham dự.
Hiện tại, dù bán hàng truyền thống đang dần được thay thế bởi các hình thức bán hàng online, tuy nhiên các hội chợ thương mại vẫn thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi đây chính là cơ hội để đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trương Thị Thùy Trang cho biết, sau mỗi kỳ hội chợ doanh số bán hàng online của đơn vị khả quan hơn, thị trường khách hàng cũng được mở rộng.
“Bán hàng trực tiếp chủ yếu khách gần, trong khi khách hàng xa chủ yếu mua sản phẩm qua online nên việc mở rộng thị trường khách hàng thông qua hình thức này rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay”- bà Trang phân tích.
Thúc đẩy thị trường ngách
Quảng Nam có khoảng 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 90% trong số này là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm theo thị trường ngách được xác định là phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My chia sẻ, từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh sụt giảm khoảng 30%. Bên cạnh giá thành sâm Ngọc Linh cao thì sự xuất hiện của các sản phẩm mạo danh sâm Ngọc Linh cũng khiến hoạt động kinh doanh khó khăn. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Công ty Sâm trúc Nam Trà My không ngừng đa dạng sản phẩm từ sâm như rượu sâm, trà sâm, sâm ngâm mật ong… hướng đến nhiều đối tượng khách hàng.
“Với những sản phẩm dược liệu có giá thành cao như sâm Ngọc Linh thì khó thể tiêu thụ với quy mô hàng hóa được nên việc đa dạng sản phẩm hướng đến nhiều đối tượng khách hàng luôn được chúng tôi chú trọng nhằm mở nhiều cơ hội đầu ra cho sản phẩm”
Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My
Năm 2024, theo kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm Quảng Nam của Sở Công Thương, thì hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề, các sản phẩm nông sản của tỉnh tìm kiếm đối tác, tạo cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ mà còn giúp duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Từ các hoạt động này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí thương hiệu sản phẩm Quảng Nam trên thị trường trong nước, kể cả xuất khẩu.
Cũng trong năm này, Sở Công Thương tổ chức cho doanh nghiệp Quảng Nam tham gia khoảng 10 sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Một số hội chợ có thể kể đến như giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường khu vực phía Nam, phía Bắc; Hội chợ thương mại xúc tiến thương mại tại các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam, phía Bắc; Chương trình Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương phát triển sản phẩm miền núi Quảng Nam năm 2024…
Từ đây tạo thêm kỳ vọng thúc đẩy hàng hóa doanh nghiệp Quảng Nam tiêu thụ hiệu quả, nhất là với các sản phẩm doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa thể tự tin đi theo hướng hàng hóa chính ngạch.
Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) chia sẻ, đa số doanh nghiệp Quảng Nam quy mô nhỏ, năng lực hạn chế nên lâu nay việc phát triển theo hướng thị trường ngách vẫn là chủ yếu, nhất là với các doanh nghiệp OCOP, khởi nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
“Quảng Nam có hơn 300 sản phẩm OCOP nhưng để phát triển thành quy mô hàng hóa lớn đủ sức vào các siêu thị hoặc xuất khẩu thì không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được nên hướng vào thị trường ngách vẫn là phù hợp nhất”
Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý Thương mại
KẾT NỐI ĐƯA SẢN PHẨM QUẢNG NAM ĐI XA
Thông qua kết nối từ đồng hương, nhiều sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm công nghiệp – nông thôn tiêu biểu của Quảng Nam đã xuất hiện trên kệ hàng ở thị trường miền Nam. Tuy nhiên, để sôi động hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, cần thêm trợ lực từ nhiều phía.
Từ cầu nối đồng hương
Năm 2022, lần đầu tiên tham dự Ngày hội đồng hương (HĐH) phường Điện Phương tại TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm bánh khô mè bà Ly mới tiếp cận được thị trường miền Nam. Là đời thứ 4 tiếp nối nghề truyền thống gia đình, chị Phan Thị Ly (thôn Triêm Đông, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) hơn 10 năm nay duy trì sản xuất và kinh doanh bánh chủ yếu ở địa phận Quảng Nam.
Tuy nhiên, sau lần mang sản phẩm vào Nam, từ sự kết nối của HĐH phường Điện Phương, bánh khô mè bà Ly đã có mặt tại một số cửa hàng ở chợ Bà Hoa – một khu chợ chuyên các đặc sản xứ Quảng.
Không những vậy, thông qua hoạt động kết nối đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh, chị Ly còn có thêm lượng khách hàng mới, thậm chí có khách còn thường xuyên mua bánh khô mè để gửi sang bà con ở nước ngoài.
“Từ sau sự kiện đồng hương, mình biết được thị trường miền Nam cũng khá tiềm năng, dù bánh khô mè chỉ có người miền Trung biết đến. Riêng doanh thu từ các đại lý ở chợ bà Hoa, mỗi tháng đều mang về khoảng 10 triệu đồng, những tháng cuối năm lên đến 40 triệu đồng. Đây là khoản doanh thu bền vững” – chị Ly nói.
Một câu chuyện khác trong việc đưa sản phẩm địa phương tiếp cận với thị trường phía Nam: anh Văn Phú Tấn Bình, một doanh nhân tại TP.Hồ Chí Minh trong vài lần về quê, nghe được câu chuyện về lụa Mã Châu đang gặp nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm thị trường.
Với mối quan hệ của mình ở thành phố, anh Bình đã kết nối cho chị Trần Thị Yến – Phó Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu, đưa sản phẩm tiếp cận với các nhà thiết kế nổi tiếng như Lê Thanh Hòa, Ngô Nhật Huy… Những thớ lụa Mã Châu đã tạo cảm hứng cho những bộ sưu tập mới của các nhà thiết kế. Họ đặt hàng số lượng lớn, tổ chức nhiều show diễn thời trang chỉ sử dụng lụa Mã Châu làm chất liệu chính.
“Chúng tôi còn đưa lụa Mã Châu của quê mình vào các cuộc thi Miss International – Hoa hậu thế giới – năm 2022 và Miss Grand Viet Nam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – năm 2022. Vừa qua, tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi thành lập thương hiệu thời trang nam với tên Bi Silk sử dụng hoàn toàn lụa Mã Châu làm chất liệu và đặt showroom tại trung tâm thương mại của tòa nhà cao cấp nằm tại quận 7. Những năm gần đây, chúng tôi đã làm hiệu quả vai trò kết nối, quảng bá và đưa lụa Mã Châu đi xa” – anh Bình chia sẻ thêm.
Cần kết nối nhiều hơn nữa
Tuy nhiên, đa số câu chuyện kết nối chỉ dừng lại ở hiện trạng bán lẻ chứ chưa tiếp cận được những đơn vị lớn, nhà phân phối để tiến tới việc hợp tác thương mại lâu dài với đơn hàng số lượng lớn.
Chị Phạm Thị Duy Mỹ – Giám đốc HTX Duy Oanh (Duy Xuyên) nhìn nhận, gần như người thành phố ít quan tâm đến sản phẩm OCOP hay sản phẩm công nghiệp – nông thôn tiêu biểu.
Lý do bởi người ở các thành phố lớn có thói quen mua hàng nhanh tại các siêu thị hoặc trung tâm mua sắm. Đây là nguyên nhân khách quan khiến lâu nay đơn vị của chị Mỹ khó tiếp cận được thị trường miền Nam dù đã thực hiện nhiều chiến dịch marketing, quảng bá.
“Ở TP.Hồ Chí Minh vẫn có cơ hội cho hàng nông sản sạch, hàng đặc thù trong những chuỗi kinh doanh đặc thù như thực dưỡng, thực phẩm sạch… Nên tôi mong muốn, ngoài được tham gia quảng bá, bán lẻ tại các sự kiện đồng hương ở thành phố, các anh chị, doanh nghiệp đồng hương có thể kết nối hỗ trợ chúng tôi trong việc tiếp cận với các chuỗi cửa hàng đặc thù, phù hợp với sản phẩm xứ Quảng quê mình để có hướng đi bền vững hơn” – chị Mỹ mong mỏi.
Ông Hồ Văn Thanh – Tổng Thư ký HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, chính vì mục đích xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư năm nay được chú trọng nên chương trình của sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều hoạt động liên quan đến 2 lĩnh vực này.
Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam”, theo kế hoạch, ban tổ chức có mời một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển chuỗi và các chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp tiêu biểu phía Nam. Họ sẽ chia sẻ các vấn đề về hoàn thiện, nâng cấp dự án khởi nghiệp Quảng Nam và tìm đường đưa sản phẩm ra thị trường lớn.
“Còn tại Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam năm 2024, chúng tôi chiếu phim tư liệu về môi trường đầu tư Quảng Nam, đồng thời tổ chức cho các khách mời thảo luận cùng lãnh đạo tỉnh nhà, đồng thời chia sẻ các danh mục dự án được ưu tiên đầu tư vào Quảng Nam” – ông Thanh cho biết thêm.
CẦN ĐỘT PHÁ TRONG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
ĐOÀN THIÊN VIỆT
(Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Đại Thắng
– Chủ tịch CLB Doanh nhân Duy Xuyên phía Nam)
Sau khi ổn định ở thị trường phía Nam, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc đầu tư về quê nhà Quảng Nam. Thiết nghĩ, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về Quảng Nam, vẫn cần nhiều đột phá về cơ chế thu hút đầu tư.
Chờ cơ chế thông thoáng
Đầu tư và phát triển ở lĩnh vực bất động sản tại các tỉnh thành phía Nam từ cuối chu kỳ thoái trào vào năm 2013, Công ty CP. Địa ốc Đại Thắng của chúng tôi may mắn khi đón đầu được làn sóng đầu tư mới lúc thị trường có nhiều khởi sắc sau 3 năm ảm đạm.
Đại Thắng xuất hiện ở khu vực nào, dự án nào đều để lại những thành tích ấn tượng. Sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hệ thống nhân sự lẫn năng lực tài chính, chúng tôi đã triển khai kế hoạch “nhân bản” Đại Thắng tại TP.Hồ Chí Minh ra khắp các tỉnh thành.
Chúng tôi bắt đầu từ Đồng Nai, Long An sau đó là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đến năm 2020, Công ty CP Địa ốc Đại Thắng có 9 công ty thành viên với hơn 600 nhân sự, triển khai hàng chục dự án sôi nổi ở các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.
Tại Quảng Nam, Đại Thắng thành lập chi nhánh ở TP.Tam Kỳ vào năm 2019. Khi thấy ở đây có nhiều dư địa phát triển, chúng tôi đã tìm hiểu và đề xuất nghiên cứu đầu tư một số dự án trên địa bàn các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên.
Song song, chúng tôi đã tiến hành mua bán, hợp tác vào những dự án sẵn có để có thể lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, thời gian đó, dù thị trường bất động sản đang nóng sốt nhưng Quảng Nam lại bộc lộ nhiều vấn đề về pháp lý.
Chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật cùng một số cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo dẫn đến việc xuất hiện những dự án làm sai pháp luật.
Vì vậy, chúng tôi quyết định tạm dừng đầu tư ở Quảng Nam để tránh rủi ro về sau. Thực tế cho thấy, nhìn nhận của chúng tôi đã đúng. Giờ đây, chúng tôi vẫn giữ hệ thống kinh doanh đầu tư thứ cấp và phân phối để chờ thêm những thay đổi tích cực từ thị trường cũng như cơ chế, chính sách và pháp lý thật sự rõ ràng để quay lại.
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Ở góc nhìn khác, là người con Quảng Nam, tôi luôn khao khát được cống hiến, góp phần xây dựng quê hương thông qua các hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, qua thời gian tìm hiểu thị trường, ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì bất động sản, chúng tôi nhận định cơ hội ở Quảng Nam rất lớn nhưng thách thức không nhỏ.
Nơi đây không chỉ là khao khát trở về của nhiều doanh nghiệp đồng hương mà các nhà đầu tư trên cả nước cũng mong muốn chen chân. Bởi Quảng Nam có vị trí địa lý thuận tiện, quỹ đất nhiều, trục giao thông Bắc – Nam liên kết khá tốt, đường bờ biển dài và đẹp, cảng biển, cảng hàng không đều có và còn dư địa mở rộng…
Nhưng Quảng Nam cũng đối mặt với thách thức thời tiết khắc nghiệt, năng lực lao động còn hạn chế, chưa có nhiều trường dạy nghề chất lượng cao.
Vùng nguyên liệu cũng là vấn đề mà Quảng Nam thất thế hơn trong việc thu hút đa dạng lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, thách thức lớn nhất vẫn là tồn đọng trong quá trình quản lý phát triển chưa giải quyết được và khó dứt điểm. Cần sự quyết liệt trong công tác quản lý, đột phá trong công cuộc xúc tiến đầu tư.
Các doanh nghiệp Quảng Nam đang muốn vào thị trường miền Nam, và đây cũng là mong muốn chung của hầu hết doanh nghiệp trên toàn quốc.
Ở miền Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển nhờ thị trường rộng lớn, đa dạng ngành nghề và tốc độ phát triển kinh tế cao. Cộng với liên kết vùng trong khu vực và quốc tế mạnh mẽ là bệ phóng cho những hoài bão của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần sẵn sàng với tâm thế “dấn thân”. Thị trường lớn như miền Nam có sự cạnh tranh rất dữ dội và tốc độ, cường độ làm việc phải nói là chóng mặt.
Chủ doanh nghiệp cần sẵn sàng tinh thần này để khỏi bị “sốc” và nhanh chóng bỏ cuộc khi đại sự chưa thành.
Việc đi ra biển lớn chắc chắn cần nhiều hơn về năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Quảng Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ về nhu cầu thị trường, phân tích khả năng chiếm thị phần trước khi xâm nhập. Thông qua kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp trong Hội Doanh nhân Quảng Nam – QNB, các doanh nghiệp Quảng Nam nên liên hệ đơn vị này để tìm hiểu kỹ hơn.
NỘI DUNG: PHAN VINH – VĨNH LỘC – AN NHIÊN
TRÌNH BÀY: MINH TẠO
Nguồn: https://baoquangnam.vn/co-hoi-tu-xuc-tien-thuong-mai-phia-nam-3137886.html