Rung nhịp chiêng vui
Năm 2023, hàng trăm diễn viên, nghệ nhân đến từ 12 xã, thị trấn trên toàn huyện Phước Sơn cùng tề tựu tại Ngày hội văn hóa truyền thống người Bh’noong.
Một không gian lễ hội mở ra với những nghi thức truyền thống được đầu tư tái hiện công phu, cùng các trò chơi dân gian, trình diễn ẩm thực, điêu khắc, quảng bá sản vật địa phương, diễu hành đường phố…
Thị trấn Khâm Đức có lẽ hiếm khi nào rộn ràng như thế, với một sự kiện được tổ chức quy mô trong phạm vi huyện. Sức hút của văn hóa truyền thống đến từ sắc màu thổ cẩm tràn ngập các cung đường.
Tiếng trống chiêng không dứt trong những ngày diễn ra sự kiện. Và đặc biệt, nhiều du khách đã trở lại vùng cao, dự phần vào cuộc vui của bà con để thưởng thức bữa tiệc của thanh âm và màu sắc, của vũ điệu, các nghi thức đặc trưng và cả ẩm thực.
Từ huyện Thăng Bình, anh Phan Văn Toàn ngược lên Phước Sơn, lần đầu tiên được hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày hội Bh’noong.
“Có những em bé rất nhỏ nhưng đã thuần thục điệu múa truyền thống khi diễu hành. Cảm giác như mọi người đến để cùng vui, cùng hòa mình trong cuộc chơi của chính dân tộc mình, thoát khỏi yếu tố trình diễn. Không khí của ngày hội rõ ràng không thể “phục dựng”, mà được tạo nên từ chính sự hào hứng, từ niềm vui của mọi người” – anh Toàn chia sẻ.
Nhiều năm qua, hàng loạt giải pháp cố kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc tộc người Bhnong được chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện.
Ngày hội văn hóa truyền thống người Bh’noong huyện Phước Sơn trở lại lần thứ hai vào năm 2023 là một trong những minh chứng rõ ràng cho nỗ lực đó.
Sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của từng đơn vị cấp xã tại lễ hội cho thấy quyết tâm đưa Tết mùa thoát khỏi khuôn khổ của một cộng đồng nhỏ bé, từ thôn, từ các trường học đến với cộng đồng lớn hơn, tự tin giới thiệu màu sắc riêng biệt, độc đáo của văn hóa truyền thống các tộc người ở vùng cao Phước Sơn.
Giữ gìn bản sắc
Văn hóa sẽ là một “đặc sản” trên bản đồ du lịch của Phước Sơn. Đó là kỳ vọng được gieo mầm từ rất nhiều hoạt động xoay quanh mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa bản địa.
Theo ông Đỗ Hoài Xoan – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, giữ bản sắc văn hóa chính là thể hiện vai trò “đại sứ” của vùng đất. Quan điểm đó được hiện thực hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách xuyên suốt góp phần giúp cho du lịch địa phương có thêm sức hút, tính đến chuyện hình thành một sinh kế mới.
“Gần đây, các lễ hội là dịp để kích cầu tiêu dùng, giúp bà con vùng cao làm và bán sản vật đặc trưng với giá trị cao hơn. Chính quyền cũng đã nỗ lực kết nối để các đơn vị lữ hành, ngành VH-TT&DL cùng nhau ngồi lại, trao đổi về những điều kiện cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm du lịch cụ thể, các tour, tuyến mới níu chân du khách.
Dịch vụ lưu trú ở Khâm Đức đang phát triển, một số địa điểm có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, các di tích lịch sử… sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu của đơn vị lữ hành để cùng nhau đưa du khách về với Phước Sơn” – ông Xoan nói.
Nhân lên những nét đẹp, tôn vinh các giá trị truyền thống, huyện Phước Sơn đồng thời chú trọng tuyên truyền, xóa bỏ phong tục tập quán cũ, lạc hậu. Từ cơ sở, các lễ hội quy mô làng, xã vẫn được duy trì như lễ cúng lúa trăm, lễ rước trống về làng…
Giữ văn hóa, trước hết được thực hiện từ từng thôn, từ chính nơi an trú của đồng bào và nhân lên bằng nỗ lực quảng bá, nâng tầm bằng các lễ hội cấp huyện, liên huyện…
“Thời gian tới, Phước Sơn vẫn giữ quan điểm ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bh’noong và một số dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện. Câu chuyện làm du lịch từ văn hóa sẽ được tính đến bằng các giải pháp bài bản, căn cơ hơn” – ông Xoan nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-huyen-phuoc-son-lan-thu-iv-nam-2024-sac-rieng-tu-van-hoa-3136576.html