Đặt tên theo… “chủ làng”
Năm tháng đi qua, ít nhiều ngôi làng Cơ Tu cổ ở vùng Đông Trường Sơn dần thay đổi về tên gọi. Điều đó bắt nguồn từ những cuộc di dân, sáp nhập địa giới hành chính sau này.
Ông Alăng Đàn – một người dân ở tổ Bút Tưa (thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) là thế hệ “đời đầu” của làng Bút Tưa cũ, cùng 3 làng khác nữa gồm Sơn, Bền và Cloò được sáp nhập thành Bhlô Bền.
Ông Đàn nói, cái tên Bút Tưa ngày trước được đặt theo danh xưng của một “chủ làng”, là conh Đhưa (bố của Đhưa). Sau này, khi vùng đất Sông Kôn đông đúc người Kinh đến sinh sống, cái tên Đhưa do phát âm bằng tiếng Cơ Tu nên khi đọc, lại chệch thành Tưa như bây giờ.
“Thời điểm ấy, conh Đhưa được xem như chủ làng. Ông nổi tiếng về nhân cách tốt, độ giàu có và uy quyền trong cộng đồng Cơ Tu. Ông sống có trách nhiệm với dân làng, hằng năm sẵn sàng đong thóc lúa, tặng heo gà cho các hộ khó khăn. Không có việc chung gì của làng mà conh Đhưa từ chối, từ cưới hỏi, ma chay cho đến hỗ trợ ngày công phát rẫy, thu hoạch lúa mùa…
Ông thậm chí còn là người luôn khởi xướng mọi công việc chung của làng. Vì thế, người Bút Trzang (tên gọi cũ của Bút Tưa) xem ông như người hùng của làng nên về sau thống nhất đặt danh xưng của ông cho tên làng, xem đó như sự tri ân với người con đã hết lòng vì cộng đồng” – ông Đàn chia sẻ.
Sau thời gian sáp nhập, những người con Cơ Tu ở Bhlô Bền dần quen với tên gọi của làng mình. Bhlô theo nghĩa tiếng Cơ Tu là huyền thoại.
Vùng đất huyền thoại với rất nhiều câu chuyện thú vị tạo nên cốt cách của cộng đồng miền núi trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn. Ngoài Bút Tưa, ở xã Sông Kôn có thêm nhiều làng khác cũng được đặt theo danh xưng của “chủ làng”.
Đơn cử như Bút conh Ngar (làng Bút của bố Ngar, thường gọi với cái tên Bút Nga); Bút conh Nhót (làng Bút của bố Nhót, thuộc tổ Bút Nhót, thôn Pho, xã Sông Kôn ngày nay).
Đặt tên làng theo danh xưng của chủ làng trở thành nét đặc trưng của cộng đồng Cơ Tu nhằm tri ân những người con ưu tú có công lớn đối với hành trình lập làng từ những buổi sơ khai.
Mang địa danh sông núi
Văn hóa Cơ Tu truyền lại, trước khi chọn đất lập làng, hội đồng già làng thường bàn bạc xác định địa điểm khu đất, rồi thực hiện nghi thức cúng đất, xin thần linh. Thủ tục cúng khá đơn giản, thông thường chỉ mang theo một con gà trống (hoặc trứng gà so), vỏ ốc, con cuốn chiếu, chén nước trong, cây đót…
Già làng Y Kông – nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, người Cơ Tu thường rất kỹ trong việc chọn đất lập làng. Quan niệm của họ, việc này nhằm tránh rủi ro, vận đen đuổi bám lấy người làng trong quá trình sinh sống. Ngày trước, người Cơ Tu lấy tên sông suối, núi đồi và thậm chí là tên của “chủ làng”, những người có uy tín nhất để đặt tên cho làng mới. Bởi người ta tin rằng, cách đặt tên như vậy vừa dễ nhớ, lại phù hợp với văn hóa truyền thống của cộng đồng.
“Như làng Coong Réh, nay là thôn Aréh – Đhrôồng, xã Tà Lu cũng được đặt theo tên của một ngọn núi Aréh sau làng. Coong hoặc k’coong trong tiếng Cơ Tu là ngọn núi, cách đặt tên kiểu này để nhắc nhớ con cháu về vùng đất ngụ cư lâu đời của ông cha ngày trước, để cùng gìn giữ, bảo vệ ngọn núi đó.
Ngay cả tên của đơn vị hành chính cấp xã như Sông Kôn, Jơ Ngây (Đông Giang); Lăng, A Vương (Tây Giang)… cũng được đặt theo con sông, con suối mà thành nên ngày nay, người Cơ Tu vẫn gìn giữ và tự hào với tên gọi đó” – già Y Kông nói.
Thời điểm chiến tranh loạn lạc, những tên làng mang địa danh sông núi theo tên gọi và chữ viết của người Cơ Tu cũng giúp cán bộ, bộ đội dễ dàng xác định vị trí trú tránh bom của người dân. Khi mật báo về, người chỉ huy chỉ cần biết địa danh là có thể triển khai nhiệm vụ tác chiến đánh giặc mà không lo bị phát hiện cứ điểm.
“Từ hàng trăm năm trước, mặc dù khái niệm địa giới tỉnh, huyện, xã chưa rõ ràng như ngày nay nhưng người Cơ Tu đã hình thành quy mô làng bản. Ở mỗi làng đều có tên gọi riêng, được đặt theo địa danh sông suối, núi đồi hoặc người trực tiếp quản lý cộng đồng, thường là tộc trưởng, người có uy tín.
Nhiều ngôi làng cổ Cơ Tu rất nổi tiếng như Bhlô Sơn, Bhlô Bền, Bhlô Cha’đao, Bhô Hiên… vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, chứng tỏ tên gọi của làng vẫn luôn rất quan trọng trong tâm thức và đời sống cộng đồng Cơ Tu” – già Y Kông cho biết.