Những cuộc đời đậm vị
Tampopo (1987) của đạo diễn người Nhật Juzo Itami – được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất lấy đề tài ẩm thực. Bộ phim thành công khắc họa sự đan xen thần kỳ và phức tạp giữa ẩm thực với mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Với Juzo Itami, ẩm thực là tất cả. Ẩm thực trong Tampopo đại diện cho sự sinh sôi, cái chết, tình yêu, ước mơ, lòng kiên trì, tình dục, gia đình, hành trình chuộc lỗi, và cả điện ảnh.
Giống như một món ăn đầy ắp phong vị, Tampopo không gói mình vào một hay hai thể loại phim cụ thể. Nó chứa đựng nhiều câu chuyện chính/ phụ khác nhau, lấy cảm hứng từ các bộ phim Hollywood cũ mang thể loại cao bồi viễn Tây…
Tampopo khép lại với phân đoạn người mẹ cho con bú kéo dài tới khi dòng credit kết thúc, tạo thành một vòng tuần hoàn. Bộ phim kết thúc nhưng chính cái kết đó lại mở ra một liên kết mới giữa cuộc đời và ẩm thực được nuôi dưỡng bằng món ăn đầu đời: sữa mẹ.
Dù ngắn hay dài, từng câu chuyện đều có ý nghĩa riêng, gộp lại thành một Tampopo hoàn chỉnh – tựa như cách cuộc đời này cùng lúc chứa đựng vô vàn câu chuyện khác nhau trên chiếc bàn ăn đời người.
Ẩm thực chữa lành
Ẩm thực đôi khi không cần phải mang trọng trách lớn lao. Có thể chỉ đơn thuần là chất kết dính những thành viên gia đình lại với nhau. Bộ phim Eat Drink Man Woman (1994) của đạo diễn Ang Lee là ví dụ hoàn hảo.
Phim xoay quanh cuộc sống hàng ngày của gia đình ông Tao Chu – một đầu bếp bậc thầy đã về hưu và ba cô con gái của mình. Cứ đến mỗi Chủ nhật, ông Chu lại trổ tài nấu nướng những món ăn vô cùng cầu kỳ để cả nhà cùng nhau dùng bữa.
Từng trải qua mất mát và khoảng cách thế hệ, ông Chu cùng các con không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Cách duy nhất ông biết để nói lời yêu thương với con mình là thông qua đồ ăn.
Một tình yêu dành cho ẩm thực, bắt nguồn từ căn bếp nhỏ của mẹ, có lẽ đã hình thành nên tình yêu đầy duy mỹ dành cho thức ăn của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt – Trần Anh Hùng.
Để ngay trong bộ phim điện ảnh đầu tay của mình mang tên Mùi đu đủ xanh (1993), vị đạo diễn này đã thi vị hóa và lãng mạn hóa công đoạn chuẩn bị món gỏi đu đủ vô cùng dân dã nhưng vẫn rất đỗi thanh tao. Từng cái chạm nhẹ nhàng, những xúc cảm được gợi từ các giác quan đến sự hoài niệm trong ký ức của mỗi người xem.
Đã 31 năm trôi qua kể từ ngày “Mùi đu đủ xanh” được phát hành, vẫn chưa có tác phẩm điện ảnh Việt nào có thể khắc họa vẻ đẹp của ẩm thực nước nhà sâu sắc và đáng nhớ như cách bộ phim này đã làm với món gỏi đu đủ.
Cầu nối ẩm thực trên phim ảnh
Nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam chứa nhiều điều diệu kỳ với những món ăn đầy phức tạp trong sự cân bằng hài hòa các nguyên liệu và gia vị, đồng thời lại vô cùng gần gũi với đời sống bình dân. Nhưng thật đáng tiếc, nền ẩm thực giàu bản sắc như vậy lại ít được hiện diện trên điện ảnh Việt Nam.
Thức ăn vẫn chỉ tồn tại trên phim ảnh như một yếu tố phụ làm nền cho câu chuyện chính của phim. Trong khi đó ẩm thực Việt đã chiếm trọn lòng say mê của các đầu bếp, vlogger, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới, trong đó có Anthony Bourdain.
Việt Nam là một điểm đến văn hóa, du lịch và ẩm thực vô cùng thân thiết với nhà làm phim tài liệu du lịch kiêm đầu bếp người Mỹ này.
Nếu cốt lõi của bộ phim Tempopo ở trên nằm ở tô mỳ ramen của Nhật thì điểm sáng trong tập 4 mùa 4 của bộ phim tài liệu Parts Unknown của Anthony Bourdain là món bún bò Huế đặc trưng của người Việt.
“Nước lèo của món này là một sự pha trộn công phu giữa nước hầm xương với sả, mắm ruốc. Bún được ăn kèm với giò heo mềm, chả cua và huyết. Sau đó bày trí thêm miếng chanh, rau mùi, hành lá, tương ớt, bắp chuối thái sợi và giá. Đây là một kiệt tác của mùi vị và giác quan. Món nước lèo ngon nhất thế giới là đây!”, Bourdain phải thốt lên.
Năm 2009, lần thứ hai đến Việt Nam, Anthony Bourdain đã đến ngay Hội An để “thử” món bánh mì Phượng. Chỉ gần 2 phút xuất hiện trong series truyền hình No Reservations, hình ảnh Bourdain đứng giữa đường phố Hội An say sưa ăn ổ bánh mì Phượng, với lời bình phẩm “Đây thực sự là một bản hòa âm trong miếng sandwich” khiến món bánh mì xứ Quảng được biết đến trên toàn thế giới.
Cái chết của Anthony Bourdain là mất mát lớn đối với người Việt và những người mê ẩm thực toàn cầu. Vẫn còn quá nhiều món mỳ, bún, cơm của nước Việt ông chưa được thưởng thức. Đối với những người như ông, ẩm thực là cầu nối dẫn ta tiếp cận nền văn hóa, lịch sử, lối sống đặc trưng của từng đất nước.
Lịch sử của cả thế giới hóa thành món ăn được bày biện trên chiếc đĩa. Từng món ăn là sự hiện thân của mọi khó khăn, tình yêu, tinh hoa của chiều dài phát triển nhân loại.