Sơn Chà hay Sơn Trà?
Một lần trên báo Quảng Nam có cuộc tranh luận về tên gọi Sơn Chà hay Sơn Trà. Người bảo vệ tên Sơn Chà thì viện dẫn về ký ức dân gian. Rằng ông bà nội ngoại họ đã gọi là Chà, hoặc dân biển Mân Thái, Thọ Quang ngay chân núi có phương pháp đặt chà đánh cá…
Người ủng hộ cách gọi Trà thì bảo trên núi có cây Trà, có người bảo có cây Sơn Tra, viện dẫn các tài liệu từ Hán, Pháp, sang Anh đến chính quyền miền Nam trước đây đều ghi chép là Trà. Quả thật không ai chịu ai!
Nhưng bất ngờ, có ý kiến rằng hãy tìm nguồn gốc từ này trong tiếng Chăm. Và ta có từ Ja, tức là ông. Ja đọc là Trà hay Chà đều được. Thì ra Sơn Trà là núi Ông! Thật đơn giản và dễ hiểu.
Cửa biển Đà Nẵng – một bên là núi Ông, một bên là núi Bà (Bà Nà). Rõ ràng nó khế hợp với lối tư duy thờ ông thờ bà ta thấy ở khắp nơi. Cù Lao Chàm có hòn Ông hòn Bà, thắng cảnh Bàn Than, các xóm dân làng chài từ Đà Nẵng vào Bình Định… cũng có hòn Ông hòn Bà.
Hơn nữa, Trà hay Chà gì cũng được nhưng nếu giữ được âm Trà, đến trăm năm nữa chẳng hạn, khi mọi ký ức về tên gọi dân gian đã phai mờ, thì ta có cơ sở để nhận ra mối liên hệ với các địa danh khác ở Quảng Nam có cùng âm Trà như: Trà Nhiêu, Trà Quế, Trà Đõa, Trà Kiệu… vì từ Sơn Trà, núi Ông, mà ta hiểu được rằng đó chẳng qua là vùng đất của ông Nhiêu, ông Quế, ông Đõa, ông Kiệu.
Âm Trà – cội nguồn liên kết
Kinh đô Champa trước thế kỷ 10 đóng ở Trà Kiệu nay. Tên Champa của nó là Simhapura, kinh thành Sư Tử, nhưng sử liệu chữ Hán sớm, trong Thủy kinh chú thì chép là kinh thành Điển Xung. Thật khó mà tìm ra mối liên kết nào từ tất cả tên gọi đó.
Trong một cuộc hội thảo về Ngũ xã Trà Kiệu nhiều người nêu lên các giả thiết về tên gọi Trà Kiệu. Ví dụ như chữ Trà có bộ “thảo” ở trên, thực sự có mối quan hệ nào đó về thực vật cây cối như cây trà cây chè. Nhưng Trà Kiệu không có vùng nào trồng trà hay chè.
Còn âm Kiệu như thường lệ nhiều người tìm trong chữ Hán, Kiệu là từ có yếu tố Hán; Kiệu 㠐 (bộ Sơn nằm trên, dưới cùng có chữ Cao) phản ánh đặc điểm địa phương, có nhiều núi cao và nhọn. Nhưng vùng đất có nhiều núi cao và nhọn ở Quảng Nam nhiều lắm nhưng đâu có nơi nào lấy tên Kiệu nữa đâu?
Người khác thì nêu giả thiết rằng Trà là Chà Và, xưa để chỉ về người Ấn, và cả người Chàm; Kiệu chính là Kiều. Vậy Trà Kiệu chính là Ấn Kiều, Chàm Kiều. Nếu không có một cơ sở nào đó để bám víu thì cuộc suy luận tên gọi các làng hoặc địa danh vùng đất sẽ luôn là chủ quan và sẽ không có điểm dừng.
Rõ ràng ta thấy âm Trà, mặc dù chưa có gì chắc chắn có nghĩa là Ông, nhưng dù sao nó cũng cho chúng ta một hệ thống tên gọi ở Quảng Nam vào đến Quảng Ngãi. Nếu vì một lý do gì đó mất đi âm Trà thì ta cũng mất đi toàn bộ cội nguồn để liên kết.
Tên gọi dòng sông
Ở Quảng Nam, Ô Gia, Ô Đà và Nam Ô (Đà Nẵng) – hầu như là những tên làng không có nghĩa. Ô Gia thì có từ rất sớm trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An. Âm Ô hiện nay trong tiếng Chàm có nghĩa là “không” – nó chưa cho bất cứ một kết nối nào về nghĩa.
Nhưng ta biết rõ đó là một từ Chăm qua sự kiện Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt qua đám cưới công chúa Huyền Trân. Vì vậy, Ô Gia, Ô Đà chắc chắn phải có một nghĩa nào đó.
Cũng như vậy, Thu Bồn có nghĩa gì không? Nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ (Trần Kỳ Phương) có lần bảo Thu Bồn chính là một trạm “thu thuế” của Chàm xưa nhưng chưa thấy ông dẫn chứng cứ liệu.
Nguyễn Sinh Duy thì bảo nghĩa của Thu Bồn chính là “sông nước mùa thu” hay “nước mùa thu sông Bồn” và dẫn dụng bài thơ “Thu Bồn dạ bạc” (秋湓夜泊) của vua Lê Thánh Tông. Thế nhưng tự dạng của chữ Thu Bồn vua Lê Thánh Tông dùng lại không giống với tự dạng chữ Thu Bồn được dùng chính thức xưa nay.
Có thuyết thì cho rằng Thu Bồn chính là ký âm từ “sumut drak” của ngôn ngữ Chăm với Sanskrit là “samudra”. “Sumut drak” cũng viết “sumutdrak”, có nghĩa là “biển”, “bờ biển”. Như vậy, một giả thuyết mới, Thu Bồn là tên gọi để chỉ dòng sông, vùng sông nước rộng lớn – nơi hòa vào Đại Chiêm hải khẩu.
Chưa hết, một bạn Chăm của người viết bài này bảo Thu Bồn chính là trái lòn bon trong cách gọi của người Chăm: Thbon, nghe thật hợp lý bởi bến Thu Bồn xã Duy Thu – là nơi tập kết trái lòn bon từ thượng nguồn chở về. Câu chuyện nguồn gốc tên gọi Thu Bồn chắc còn dài và cũng khó mà biết đâu là đúng nhất.
Đà Nẵng – kinh thành của thần Bão tố
Đà Nẵng cũng là một tên Chăm, Đà là Dak, là nước, Nẵng là rộng. Một vịnh nước rộng còn gọi là Vũng Thùng, nhưng có điều ít người biết là thế kỷ 12 về trước, Đà Nẵng là một thành phố lớn của Champa, thành Rudra-pura, Kinh thành bão tố. Rudra là thần bão tố. Điều này được ghi trên văn bia Khuê Trung.
Như vậy, Đà Nẵng với quần thể các tháp thuộc diện lớn nhất nhì cả nước như tháp Xuân Dương, Khuê Trung, Phong Lệ và được gọi là thành phố Bão Tố. Chưa đủ cứ liệu chắc chắn nhưng có rất nhiều khả năng đây là một tiểu quốc, một Mandala của vương quốc Champa.
Vua Lê Thánh Tông khi đứng trên đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống Vũng Thùng, ông gọi đó là thuyền Lộ Hạc. Lộ Hạc lại xuất hiện trong “Sử ký toàn thư” với tên gọi một nước: “Năm 1360, mùa đông tháng 10, thuyền buôn của các nước Lộ Hạc, Trà Nha, Xiêm La đến Vân Đồn mua bán, dâng các vật lạ”.
Một bằng chứng chưa chắc chắn, theo Linh mục Hoàng Gia Khánh thì Rudra-pura được người Chàm xưa đọc là Ruttrabiuh, hai âm đầu được đọc là Ru(t)drak. Và người Việt vào đã đọc hai âm đó là Lỗ Gián, Lộ Giản, Lỗ Giáng, Giáng La.
Nếu điều này được chứng minh thì ta có thêm cứ liệu để hình dung về không gian dân cư, đô thị của vùng đất Đà Nẵng nay vào các năm còn thuộc Champa, thậm chí là 1471, vì năm đó Lê Thánh Tông đánh đến cửa sông Cu Đê (Đà Nẵng) thì bắt được tướng Chăm là Bồng Nga Sa trấn giữ cửa sông này.
Với đôi dẫn chứng về tên gọi cũ xưa của các làng cổ, ta thấy rõ, những cái tên phản ánh trong nó một cuộc đan xen đa văn hóa, đa chủng tộc. Ẩn chứa trong những tên gọi nôm na, không nghĩa lý gì, là cả lịch sử hưng thịnh của một vương quốc, của sự kế thừa đang ngày càng mai một và sẽ bị xóa nhòa bất cứ lúc nào…