Còn khoảng cách giữa làng nghề và thế giới số
Trong kho tàng di sản văn hóa của TP.Hội An, các nghề/làng nghề truyền thống là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa với hơn 50 nghề truyền thống, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của đô thị cổ Hội An.
Đặc biệt gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, các vật liệu tái chế…
Dù vậy, theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, phần lớn sản phẩm của các nghề/ làng nghề tại Hội An vẫn vận hành dưới hình thức “xuất khẩu tại chỗ”, chủ yếu phục vụ cho hoạt động du lịch dịch vụ tại thành phố; nguồn nhân lực trong hoạt động nghề thủ công suy giảm; thành phố vẫn còn loay hoay trong việc tìm kiếm các giải pháp đầu ra cho sản phẩm.
Tiếp thị kỹ thuật số là một lối mở để làng nghề truyền thống tìm kiếm “làn gió mới”. Tiếp thị kỹ thuật số giúp đưa sản phẩm ra toàn cầu, tiếp cận mục tiêu và thị trường chính xác hơn, tăng doanh số qua thương mại điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí…
Dù vậy, theo số liệu khảo sát của World Bank và JICA, có đến 78% số lượng chủ thể làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam không hoặc chưa biết ứng dụng digital marketing. Trong số 22% còn lại thì có đến gần 50% sử dụng digital marketing qua mạng xã hội facebook, còn lại là quảng cáo online, vận hành website hoặc một số loại hình digital khác.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, làm thế nào để các nghề thủ công của Hội An có thể chuyển mình, bắt kịp và hòa nhập cùng với thời cuộc; làm sao để phát triển hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm là những điều còn băn khoăn và trăn trở đối với chính quyền thành phố Hội An”, ông Hùng nói.
Không gian vô tận chờ làng nghề tiếp cận
Theo ông Võ Quốc Hưng – đại diện Tonkin Media, chuyển đổi số làng nghề truyền thống là một bức tranh lớn được tạo ra từ 9 mảnh ghép khác nhau, được phân vào 3 mảng chính gồm: trải nghiệm khách hàng, quy trình vận hành, mô hình doanh nghiệp.
Ông Hưng cho rằng, trong thế giới sản xuất công nghiệp, người tiêu dùng có xu hướng kết nối và tìm kiếm tính xác thực với nhà sản xuất. Hàng thủ công thường đi kèm với những câu chuyện, lịch sử độc đáo làm cho những món đồ có ý nghĩa hơn. Đây là một khía cạnh, lợi thế mà làng nghề ở Hội An cần tận dụng, khai phá bằng tiếp thị kỹ thuật số để kết nối với khách hàng trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo ông Trần Cao Trí – đại diện Công ty Công nghệ Haravan, kinh nghiệm cần lưu ý với các làng nghề ở Hội An là cần có câu chuyện thương hiệu riêng kết hợp yếu tố truyền thống đặc trưng Hội An (đầu vào) với những sáng tạo hội nhập (đầu ra) để thuyết phục khách hàng trong việc tiếp thị số.
Bên cạnh đó các chủ thể làng nghề cũng cần có đa kênh bán hàng để đa dạng hóa nguồn tiếp cận khách hàng đồng thời nên quản lý tập trung kênh bán để tối ưu nguồn lực.
Ông An Bui – chuyên gia marketing của Tiktok Việt Nam cho rằng, có một xu hướng thương mại điện tử mới đang diễn ra trên tiktok là việc thương mại độc đáo được dẫn dắt bởi nội dung có tính giáo dục và giải trí cao. Bên cạnh đó, Tiktok cũng có sáng kiến “chợ phiên OCOP” livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu trên nền tảng số vào sáng thứ Bảy hàng tuần.
Ông An Bui chia sẻ, hiện nay nhu cầu kết nối cảm xúc thống qua giá trị từ nội dung ngày càng được người tiêu dùng đề cao. Trong khi đó Tiktok hiện giúp người mua tìm thấy sản phẩm đúng nhu cầu dễ dàng hơn. Tiktok là một không gian sáng tạo lớn mà các làng nghề thủ công truyền thống cần có chiến lược để tiếp cận hiệu quả.