Hỗ trợ phát triển
Sau nhiều năm làm việc tại nhà hàng chay ở TP.Đà Nẵng, nhận thấy giá trị của gạo lứt đối với đời sống và sức khỏe con người, chị Lê Hồng Hạnh (xã Ninh Phước, Nông Sơn) đã cho ra đời sản phẩm gạo lứt.
Để nâng cao giá trị nông sản địa phương, cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng, chị Hạnh đã ký kết hợp đồng với gần 20 hộ dân trên địa bàn huyện sản xuất lúa lứt với tiêu chuẩn hữu cơ, hoàn toàn không phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Chị Hạnh đầu tư máy xay gạo, thu mua sản phẩm của nông dân ở các địa phương lân cận để sản xuất sản phẩm gạo lứt cung ứng ra thị trường.
“Bên cạnh đảm bảo nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi cũng đầu tư khâu quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ” – chị Hạnh cho hay.
Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trong 5 năm qua, huyện đã tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP; thường xuyên mở các khóa tập huấn về những nội dung liên quan đến chương trình OCOP.
Bình quân hằng năm huyện hỗ trợ từ 500 – 800 triệu đồng cho các chủ thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng; mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu, thiết lập nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhiều phần việc khác…
Năm 2023, địa phương hỗ trợ gần 630 triệu đồng cho các chủ thể hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, có 5 sản phẩm mới được đánh giá đạt chuẩn OCOP cấp huyện gồm: Tượng phong thủy để xe (hộ kinh doanh trầm hương Phượng Hoàng); Trầm cảnh hoa sen (hộ kinh doanh Thập Vạn Hương); Trà đậu (hộ kinh doanh Đoàn Thị Thương); Mứt vỏ bưởi bà The – Đại Bình (hộ kinh doanh Đại Bình Xanh); Gạo lứt (hộ kinh doanh Lê Hồng Hạnh).
Đẩy mạnh quảng bá
Theo Phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Nông Sơn, đến nay địa phương có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Các sản phẩn OCOP đảm bảo toàn diện tiêu chuẩn từ nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, mã vạch, mã Code, sở hữu trí tuệ phát triển toàn diện cho 1 sản phẩm, đến với người tiêu dùng chất lượng, an toàn.
Thời gian qua, ngoài việc đưa sản phẩm trực tiếp, hầu như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở Nông Sơn đều thành lập một hoặc nhiều website nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng đến người tiêu dùng.
Để quảng bá sản phẩm vươn xa hơn đến với thị trường trên cả nước, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh còn triển khai bán hàng qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Facebool, Zalo, Tiktok…
Theo ông Tùng, để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, hằng năm cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, UBND huyện trích nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế hỗ trợ các chủ thể tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân.
Chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các chủ thể OCOP hoàn thiện thủ tục pháp lý, hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP đối với các sản phẩm 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao.
“Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung lồng ghép các nguồn kinh phí thuộc các chương trình dự án hỗ trợ các chủ thể đầu tư trang bị sản xuất; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm hiệu quả” – ông Tùng nói.