Gieo mầm
Năm 1981, Giáo sư Trần Văn Khê được mời dự buổi giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế cho phái đoàn UNESCO xem. Thời điểm đó, UNESCO vừa phát động phong trào giúp đỡ Việt Nam trùng tu cung điện Huế, còn Nhã nhạc cung đình Huế chỉ đang trong giai đoạn “giới thiệu”.
Ngồi cạnh Tổng Giám đốc UNESCO M’Bow, giáo sư Trần Văn Khê giải thích thêm về tiết mục “lân mẫu xuất lân nhi” đang trình diễn. Xong tiết mục, thấy ông M’Bow tỏ ra xúc động, giáo sư Trần Văn Khê nói:
– Chúng tôi vô cùng cảm ơn ngài đã lên tiếng kêu gọi thế giới giúp Việt Nam bảo vệ và trùng tu những di tích lịch sử – văn hóa ở Huế. Nhưng cung điện hay lăng tẩm chỉ là cái xác, còn cái hồn của Huế là thi ca, âm nhạc, vũ điệu, kịch nghệ. UNESCO có nghĩ đến việc bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể đó không?
Ông M’Bow trầm ngâm:
– Chưa, nhưng sẽ phải nghĩ đến.
Đoạn đối thoại này, giáo sư Trần Văn Khê ghi lại trong hồi ký. Cũng trong hồi ký, “xâu chuỗi” hai sự kiện cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa thế giới (năm 1993) và Nhã nhạc cung đình Huế được trao bằng công nhận Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2004, tại Pháp), ông cao hứng nhận xét: “Điều đó có nghĩa cố đô Huế đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới cả phần xác lẫn phần hồn”.
Ông cũng ngạc nhiên, vì cứ ngỡ ý tưởng “bảo tồn phần hồn” từng đề đạt riêng với Tổng Giám đốc UNESCO hồi năm 1981 sẽ mau chóng rơi vào quên lãng. “Nhưng tôi không ngờ nó như đã được gieo mầm”, ông viết.
“Phần hồn” di sản của cha ông dường như vẫn tiếp tục được gieo mầm. Giữa đầu tháng 5 năm nay, hội nghị toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức ở Mông Cổ chính thức công nhận những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.
Với sự kiện mới nhất này, tôi chợt nghĩ nếu giáo sư Trần Văn Khê còn tại thế, có thể ông cũng sẽ nói về chuyện “phần xác lẫn phần hồn” của di sản cố đô Huế thêm một lần nữa.
Di sản “tụ hội”
Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ra đời từ 30 năm trước, năm 1994, để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (documentary heritage).
Chính cố đô Huế đã góp di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam, năm 2009, với mộc bản triều Nguyễn. Sau đó, có thêm nhiều di sản ở Huế và Hà Nội, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… được công nhận di sản tư liệu thế giới hoặc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cha ông ta cũng đã trao truyền di sản văn hóa cho hậu thế với nhiều thông điệp khác nhau. Và trên hành trình tác tạo – trao truyền – gìn giữ ấy, “động thái” gieo mầm rất đáng được ghi nhận, tôn vinh.
Có đến 153 bức hình với nhiều chủ đề được chạm nổi trên Cửu đỉnh trong những năm 1835 – 1837 theo lệnh của vua Minh Mạng. Mỗi đỉnh có 17 bức chạm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật… Yếu tố “vật thể” hiển thị khá rõ trên 9 đỉnh đồng đặt trước Thế miếu.
Nhưng giá trị “phi vật thể” bao trùm hơn, biểu thị trình độ đúc đồng tinh xảo của thợ thủ công Việt Nam hồi đầu thế kỷ 19, trở thành nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, xứng đáng được thế giới công nhận. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận những họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh như một bộ “bách khoa thư”, “dư địa chí” của Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Ở bên này đèo Hải Vân, một số địa danh hay sản vật quen thuộc cũng hiện diện trên di sản vừa được thế giới công nhận. Trong một lần viết về ký ức “nam trân”, về tán cây phủ bóng thời gian trên Báo Quảng Nam xuân Nhâm Dần 2022, tôi có đề cập chuyện hồ sơ của Cửu đỉnh đã đệ trình (từ giữa cuối năm 2021), đang chờ ngày được UNESCO công nhận di sản thế giới. Tôi cũng hình dung, khi được công nhận, “ký ức thế giới” sẽ giúp lưu giữ hình ảnh, thông tin của một sản vật thân quen xứ Quảng…
“Nam trân” – mỹ danh dành cho loài cây lòn bon, nằm trong nhóm những sản vật liên quan đến thời cam go của vương triều nhà Nguyễn được chọn khắc trên Cửu đỉnh.
Nam trân xứ Quảng khắc trên Nhân đỉnh, cũng như hình ảnh cá sấu miền Nam khắc trên Chương đỉnh. Riêng xứ Quảng còn có thêm “Vĩnh Điện hà”, tức sông Vĩnh Điện, khắc trên Dụ đỉnh.
Con sông đào này chảy về phía bắc, hợp với sông Cẩm Lệ đổ ra cửa Hàn, cửa biển Đà Nẵng ngày nay. Thật tình cờ, cửa biển Đà Nẵng cũng được chọn khắc trên Dụ đỉnh, với tên chữ Hán “Đà Nẵng hải khẩu”. Dụ đỉnh cũng có bức chạm “Hải Vân quan”…
Cứ thế, những địa danh, sản vật đặc trưng xứ Quảng hay trải dài trên toàn cõi Việt Nam cùng tụ hội trên một di sản, để phần xác – phần hồn di sản tiếp tục hòa quyện, trao truyền giá trị cho hậu thế.