Du lịch biển ở xứ bạn
Du lịch biển đảo đang là xu hướng của du lịch Hàn Quốc. Quốc gia này có 2.413km đường bờ biển và khoảng 3.000 hòn đảo nhỏ, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trên thế giới.
Hàn Quốc chú trọng phát triển kinh tế du lịch một cách bài bản. Họ có kế hoạch rõ ràng về đào tạo nhân lực, xây dựng các khu du lịch, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin và quảng bá ra thế giới.
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc hiện có 31 văn phòng đặt tại 19 quốc gia trên thế giới nhằm thực hiện hoạt động quảng bá với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của người dân sở tại về Hàn Quốc như là một điểm đến hấp dẫn.
Đồng thời Hàn Quốc cũng dùng điện ảnh, truyền hình, chương trình âm nhạc để quảng bá văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc, khiến du khách quốc tế háo hức đến du lịch, tham quan đất nước này ngày càng tăng.
Các quốc gia như Tây Ban Nha, Úc và Thái Lan cũng đang rất thành công trong việc phát triển du lịch biển. Họ có một điểm chung trong chiến lược, chính là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng du lịch (như khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cảng du lịch); quảng bá du lịch thông qua các chiến dịch marketing sáng tạo, phát triển các hoạt động và trải nghiệm du lịch độc đáo để thu hút du khách. Bảo vệ môi trường biển cũng là một ưu tiên quan trọng để duy trì sự hấp dẫn của các điểm đến du lịch biển.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt chiến lược phát triển du lịch biển đảo nhằm khai thác hợp lý các tài nguyên sẵn có. Trong đó, yêu cầu ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 – 12%/năm, về khách quốc tế từ 8 – 10%/năm và khách nội địa từ 5 – 6%/năm…
Cụ thể, chủ trương bảo tồn bền vững được đặt ra, đặc biệt đối với môi trường biển và văn hóa của cộng đồng bản địa. Các biện pháp như kiểm soát số lượng khách du lịch, bảo vệ hệ sinh thái biển và xây dựng các khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại Bali (Indonesia), ở các bãi biển, du khách có thể lặn ngắm san hô, sinh vật biển, chơi dù lượn, lướt sóng, ca nô và các môn thể thao dưới nước.
Và du khách còn được tham gia các trải nghiệm về văn hóa bản địa của người Hindu, từ việc làm các sản phẩm làng nghề truyền thống, xem múa cổ truyền Barong… Chính quyền đảo Bali lấy cộng đồng làm trung tâm, các nghi lễ và cả lễ hội nghệ thuật sáng tạo được quyết định bởi tổ chức cộng đồng địa phương có tên là Ban Banjar.
Cần nhiều sản phẩm sáng tạo hơn
Dù tài nguyên du lịch biển của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng rất lớn, nhưng việc khai thác còn mang tính chất tự phát, manh mún; sản phẩm du lịch và các hệ thống dịch vụ còn nghèo nàn, xuống cấp.
Đặc biệt, công tác xúc tiến quảng bá cho hoạt động du lịch còn yếu, cộng với nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa tập trung đầu tư hiệu quả.
Để du lịch biển phát triển, Quảng Nam cần đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng cần thiết bên cạnh phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.
Chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch cũng cần được quan tâm, trong đó, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương, cũng như tính toán phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm.
Quảng Nam cũng cần đẩy mạnh liên kết phát triển vùng từ việc tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận và các doanh nghiệp du lịch lớn để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa các địa điểm trong và ngoài tỉnh; phát triển các tour du lịch giữa văn hóa và biển đảo, như kết hợp giữa tham quan phố cổ Hội An và các hoạt động nghỉ dưỡng tại các bãi biển…
Ngoài ra, địa phương hiện có các làng nghề truyền thống ven biển khá thú vị. Đây cũng là thế mạnh đặc trưng để làm nên sản phẩm du lịch khác biệt.
Đối với chủ trương du lịch có trách nhiệm, địa phương nên xây dựng các chính sách và luật chặt chẽ để bảo vệ môi trường biển và bờ biển; tổ chức các chiến dịch làm sạch biển, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch theo hướng bền vững; thực hiện giám sát và đánh giá tác động môi trường định kỳ cho các hoạt động du lịch.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý du lịch, từ phần mềm đặt phòng, ứng dụng di động cho khách du lịch cho đến các nền tảng trực tuyến để quảng bá, đặt tour, cung cấp thông tin cần thiết cho du khách một cách hiệu quả và tiện lợi cũng nên được tính toán kỹ hơn.