Ít thấy vịt rang lá chanh trong các thực đơn, có lẽ bởi sự cầu kỳ của nó. Để thịt vịt thơm ngon, đậm đà, trước hết thịt phải tươi. Các đầu bếp khuyên nên tìm mua vịt cỏ bản địa, tuy nhỏ con nhưng chặt thịt, ít mỡ. Lý do bởi loại vịt này được chăn thả, lùa ngoài đồng ruộng khi cây lúa đã gặt xong, được cho ăn lúa, bắp, cám và các phụ phẩm nông nghiệp.
Về nguyên liệu, vịt nguyên con qua sơ chế, chặt thành từng miếng nhỏ và ướp gia vị rồi xáo đều. Sau khi vịt ngấm mùi, rắc lên trên một ít gừng xắt lát mỏng. Sau đó, thêm một số nguyên liệu để làm nước sốt. Món ăn có ngon, đậm đà hay không là do khâu chế biến này.
Nước sốt gồm nước mắm, ít muối, tiêu, giấm, hành tỏi và ớt, củ sả xắt nhỏ. Đừng quên phải có một nắm lá chanh tươi rửa sạch cho công đoạn này.
Chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi, người nội trợ bắt đầu công đoạn… rang thịt vịt. Món này muốn ngon phải nấu bằng lửa củi và đảo thật đều tay.
Cho đến khi nước xâm xấp trong nồi đã cạn, mùi của lá chanh, củ sả, củ gừng dậy lên cùng miếng thịt đã cháy sém, thì món ngon mới hoàn thành.
Thịt được bày lên đĩa, ăn ghém cùng dưa leo, chuối chát và xoài xanh, các loại rau gia vị truyền thống. Thêm chén nước chấm nhất thiết phải có gừng sả, món vịt rang vừa độc lạ vừa bắt vị thực khách.
Hương vị đậm đà lịm vào từng miếng thịt vịt thơm ngon, dai nhẹ, ngọt, bùi đặc trưng. Ở vùng Đại Lộc có dăm ba quán bán món vịt rang lá chanh, ở quanh khu Ái Nghĩa. Phần nào đó, món ăn trở thành điều đặc biệt để người ta nhớ đến vùng đất ven sông Vu Gia.