Cố gắng đẩy tiến độ
Báo cáo tại cuộc họp của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh vừa được tổ chức mới đây, đại diện Sở TN-MT cho hay, công tác số hóa dữ liệu đất đai có nguy cơ trễ so với tiến độ được giao trong Đề án 06.
Theo Kế hoạch 1080 ngày 17/2 của UBND tỉnh về tiếp trục triển khai Đề án 06, nhiệm vụ số hóa dữ liệu đất đai hoàn thành quý IV năm 2024. Thời hạn này khó khả thi để thực hiện.
Theo phân tích của Sở TN-MT, hiện nay, chưa có hướng dẫn số hóa dữ liệu đất đai trên cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư (theo Đề án 06) của cơ quan chủ quản là Bộ TN-MT, trong khi dữ liệu số hóa gặp nhiều khó khăn do chuyển đổi số mỏng, hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo.
Do đó khối lượng thực hiện số hóa không đảm bảo theo tiến độ, khả năng tái cấu trúc thông tin sử dụng kết quả thủ tục hành chính gần như không thực hiện được theo kế hoạch. Sở TN-MT đề xuất sửa đổi Kế hoạch 1080 của UBND tỉnh để phù hợp với tình hình triển khai cụ thể tại địa phương, đơn vị.
Về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai, Sở TN-MT đã phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai lựa chọn CSDL đất đai đang vận hành tại 48 xã thuộc Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL đất đai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 – 2015 và sau 2015, hoàn thành kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu liên quan với CSDL quốc gia về dân cư, kết nối liên thông dịch vụ công thiết yếu và đang triển khai giai đoạn 2 tại 13 huyện với các xã còn lại.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH nêu một số vướng mắc trong chi trả an sinh xã hội qua tài khoản. Theo đó, năm 2023, đã triển khai thí điểm mô hình này tại hai huyện, song kết quả thu về chưa cao. Năm 2024, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhiệm vụ này đã có một số chuyển biến. Sở LĐ-TB&XH đang tổng hợp số liệu phát sinh hàng ngày, triển khai nhiều giải pháp đôn đốc đảm bảo tiến độ.
Giải nỗi lo kinh phí
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính đưa ra nhiều thông tin được các đơn vị địa phương hết sức quan tâm: kinh phí triển khai các nội dung Đề án 06.
Theo đó, đối với các sở, ban ngành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 334 ngày 7/2/2024 về Đề án nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đề án này đã đáp ứng yêu cầu bổ sung thiết bị CNTT cho các đơn vị để triển khai chuyển đổi số, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Đề án 06.
Đối với UBND các địa phương cấp huyện, cấp xã, các địa phương sử dụng nguồn kinh phí chuyển đổi số theo Nghị quyết số 36 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh, các nguồn bổ sung chuyển đổi số hàng năm của ngân sách tỉnh và ưu tiên bố trí thêm ngân sách huyện, xã để triển khai thực hiện.
Riêng kinh phí đối với ngành công an, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TT-TT và cơ quan chuyên môn về CNTT thẩm định nội dung đề nghị của Công an tỉnh, Sở KH&ĐT tham mưu bố trí dự án đầu tư công (nếu có), Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí hoạt động, tuyên truyền, kiểm tra, tập huấn… theo dự toán đề xuất.
Bộ KH&ĐT đã có công văn về việc bố trí vốn triển khai Đề án 06, đề nghị địa phương cắt giảm các hạng mục, dự án chưa thật sự cần thiết, lập dự án ứng dụng CNTT phục về Đề án 06.
“Thời gian qua đã lúng túng nhiều, lúng túng trong cả nước. Chúng tôi tham khảo nhiều địa phương, cũng chưa có ai tham mưu UBND tỉnh phê duyệt một dự toán chi tiết về vấn đề phục vụ công tác triển khai Đề án 06 theo quy định Chính phủ, chứng tỏ việc triển khai đang gặp khó.
Quan trọng là phải cùng ngồi lại, cùng bàn bạc để đáp ứng các quy định, đảm bảo nguồn lực phục vụ Đề án 06” – ông Đặng Phong chia sẻ.
Đại tá Hồ Song Ân – Phó Giám đốc Công an tỉnh (cơ quan thường trực của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh) nhấn mạnh, các ngành, các đơn vị phải hết sức quyết tâm, trách nhiệm, cùng đồng hành và hỗ trợ nhau để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án 06.
“Công an sẽ hỗ trợ tích cực nhất đối với các thành viên để cùng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, vướng ở đâu, phải cùng bàn bạc, thảo luận, chỉ ra điểm khó để có giải pháp gỡ ở đó.
Thời gian tới, với vai trò cơ quan thường trực, Công an tỉnh sẽ có những cuộc làm việc riêng với từng ngành để bàn kỹ lưỡng, phân vai, phân trách nhiệm, rõ người rõ việc, rõ tiến độ.
Tổ công tác mong muốn lãnh đạo các ngành, địa phương sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, nghiên cứu, nắm bắt và triển khai các nhiệm vụ sát thực tế, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đề ra” – Đại tá Hồ Song Ân nói.