Chương trình đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2024 gồm nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng xuất nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật.
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Nhiệm vụ, giải pháp dài hạn là khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Nghị quyết số 52 nhấn mạnh đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác IUU.
Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển.