Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn chủ quan, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hiệu quả tổ chức thực hiện chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, doanh nghiệp còn hạn chế…
Để đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Trong đó, xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế…
Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chỉ thị này tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.