Quá tải
Không phải đợi đến khi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét, thực hiện biện pháp khẩn cấp: cấm xe tải trên 5 trục chở quặng đi lại trên quốc lộ (QL) 14D trong thời gian chờ nâng cấp, cải tạo toàn tuyến, doanh nghiệp mới “phản ứng”.
Chỉ một vài ngày sau khi Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh cấm này, 12 doanh nghiệp vận tải và logistics hoạt động thường xuyên trên tuyến QL14D, đoạn từ cầu Bến Giằng lên Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã kiến nghị chính quyền Quảng Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý (BQL) các khu kinh tế & khu công nghiệp, Sở GTVT xem xét.
Cơ quan tham mưu và UBND tỉnh nêu lý do xin “lệnh cấm” bởi hiện tại tuyến QL14D có nhiều xe chở quặng (xe trên 5 trục, tổng trọng lượng khoảng 48 tấn) từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (khoảng 250 lượt xe loại này) đi lại hàng ngày nên tuyến đường đã hư hỏng rất nhanh.
Không chỉ gặp khó trong việc duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông khi các xe này đi lại trên QL14D, vượt quá mức kinh phí quy định về bảo trì đường bộ; tuyến đường này còn nhiều đường cong, bán kính nhỏ, hẹp, chưa được cải tạo, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Việc vận chuyển quặng qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang có thể thực hiện bằng cách trung chuyển sang xe tải thông thường, có tải trọng nhỏ (≤ 30 tấn) để đi lại thuận lợi, khắc phục ùn tắc…
Theo ước tính của BQL Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, hàng ngày có khoảng 250 xe trên 5 trục (chiếm trên 85% tổng loại xe) thông quan qua cửa khẩu.
So với cùng kỳ năm ngoái, quý I/2024, hàng quá cảnh đã tăng 1.925% (200.026 tấn), tổng số phương tiện qua lại cửa khẩu tăng 407% (trên 14.114 lượt). Dự báo quý II/2024 sẽ tăng 150%, tăng 200% vào cuối năm 2024 và sẽ tăng trưởng rất lớn từ các năm sau đó.
Các doanh nghiệp vận tải và logistics theo tuyến QL14D cho rằng nếu đề xuất này được thực hiện, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí logistics tăng vọt.
Theo doanh nghiệp, QL14D là tuyến độc đạo, qua vùng núi cao, nhiều đèo dốc, không có mặt bằng để tổ chức sang hạ tải. Việc vận chuyển quặng bằng xe tải nhỏ sẽ khiến lưu lượng xe tăng rất cao, trong khi tuyến đường hiện hữu nhỏ hẹp, chất lượng mặt đường xấu chắc chắn sẽ gây nhiều điểm tắc nghẽn cục bộ.
Theo khảo sát của doanh nghiệp, các mỏ khoáng sản tại Sê Kông có trữ lượng rất lớn. Mỏ than của Công ty Phonesack tại Kà Lùm có trữ lượng phê duyệt hơn 826 triệu tấn, mỏ bauxite của Công ty LBD có trữ lượng phê duyệt hơn 340 triệu tấn và nhiều mỏ khoáng sản khác tại Lào cũng đang lên kế hoạch khai thác…
Lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu sẽ ngày càng tăng lên. Từ giữa năm 2023, các doanh nghiệp vận tải và logistics đã ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với chủ hàng, chủ mỏ.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí rất lớn để mua xe trên 5 trục, phục vụ vận chuyển quặng với hy vọng sẽ phát triển thuận lợi cùng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Việc cấm xe trên 5 trục đi lại trên tuyến QL14D sẽ gây nguy cơ “bóp nghẹt” tuyến logistics qua cửa khẩu về các cảng biển Việt Nam vì đội giá vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị phạt hợp đồng, trong khi cửa khẩu sẽ mất nguồn thu lớn do việc vận chuyển bị ngừng trệ.
Giải pháp nào?
Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có ý kiến gì về đề xuất “cấm xe tải trên 5 trục chở quặng đi lại trên QL14D” của Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, QL14D là tuyến quan trọng giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Lào, là hành lang kinh tế Đông – Tây quan trọng trong hệ thống giao thông tiểu vùng Mê Kông.
Nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện và phong điện được đầu tư. Các mỏ khoáng sản (bauxite, than đá…) tại Sê Kông đi vào khai thác công nghiệp sẽ đưa lưu lượng hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang tăng đột biến.
Thông báo từ Sở GTVT, chi phí duy tu bảo trì đường bộ dành cho 74,4km thuộc QL14D từ cầu Bến Giằng lên Cửa khẩu quốc tế Nam Giang khoảng 4 tỷ đồng/năm là quá ít. Kế hoạch nâng cấp mở rộng tuyến này để thúc đẩy sự phát triển của cửa khẩu quốc tế đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được.
Ông Trần Trí Hiếu – Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư Thanh Phát (doanh nghiệp vận chuyển quặng từ Lào về cảng Chu Lai từ tháng 8/2023) cho hay, các doanh nghiệp vận chuyển chuyên nghiệp hiểu rõ những khó khăn của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt của tuyến QL14D.
Các buổi làm việc giữa doanh nghiệp và Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị xin đóng góp kinh phí để tham gia việc duy trì bảo dưỡng QL14D.
Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ quan hữu trách xem xét, sớm có phương án hợp tình, hợp lý để đảm bảo giao thông trên tuyến QL14D; đồng thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, trở ngại hiện hữu, tạo điều kiện cho việc lưu thông qua cửa khẩu ngày một an toàn, thuận lợi và thông thoáng hơn.
Điều 26 của Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký tại Hà Nội ngày 15/9/2010 (có hiệu lực kể từ ngày 15/12/ 2010) nêu việc kiểm tra xe quá khổ, quá tải chỉ được thực hiện một lần tại cửa khẩu hoặc trạm kiểm tra tải trọng xe nơi gần biên giới nhất.
Xe quá tải phải tổ chức hạ tải tại nơi kiểm tra (không nói gì đến cấm xe 5 trục). Thông qua 4 đợt cân tải trọng (từ tháng 1/2023 đến 11/2023) của Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam về kiểm soát tải trọng các xe thì chỉ có 1 phương tiện vượt tải trọng 10,5%. Số còn lại có vượt, nhưng nhỏ (dưới 10%).
Tính đến thời điểm hiện nay, các xe chở quặng đảm bảo tải trọng theo quy định khi tham gia giao thông trên QL14D. Trong khi đó, nếu chấp thuận sang tải thì Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang vẫn còn thiếu bến bãi, kho hàng.