Ghi nhận ở Thăng Bình
Năm 2022, ngân sách UBND huyện Thăng Bình ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để cho vay hộ nghèo, chính sách trên địa bàn là 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2023, vốn ủy thác ở Thăng Bình đã tăng lên 1,5 tỷ đồng; năm 2024 là 2 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho biết, thời gian qua, cùng với nguồn vốn phân bổ của Ngân hàng CSXH tỉnh, trung ương, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách UBND huyện đã thúc đẩy 16 chương trình cho vay ưu đãi đối với người dân trên địa bàn.
Bao gồm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…
“Chúng tôi khẩn trương giải ngân vốn để người dân làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn” – ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn – Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung huy động nguồn lực cho vay, nhất là nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH tăng thêm nguồn vốn cho vay các hộ nghèo, chính sách khác, đảm bảo 100% người dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay tín dụng chính sách.
“Vốn ủy thác của các địa phương sang ngân hàng chính sách cần tiếp tục phát huy vai trò giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” – đồng chí Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hộ bà Huỳnh Thị Hạnh (thôn Thái Đông, xã Bình Nam) vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình đầu tư làm bánh tráng.
Với 150kg gạo mỗi ngày, hộ bà Hạnh sản xuất được 145kg bánh tráng bán cho các tiểu thương, chủ quầy kinh doanh tạp hóa, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại thu được lợi nhuận khá. Hộ bà Hạnh đã giải quyết việc làm thêm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
“Nhờ nguốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách, gia đình tôi đã đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất, giảm giá thành, tăng cạnh tranh trên thị trường” – bà Hạnh nói.
Ông Phạm Văn Tài – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Thái Đông cho biết, tổng dư nợ hiện nay của tổ là hơn 1,5 tỷ đồng với 29 hộ vay vốn. Nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi, người dân trên địa bàn đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… hiệu quả.
“Nhu cầu vay vốn của người dân để làm ăn, đầu tư nước sạch, vệ sinh, môi trường và cho con cái học hành là rất lớn. Sau khi vay vốn, người dân đều đầu tư hiệu quả, trả nợ đúng hạn và gửi tiết kiệm để làm tăng nguồn vốn giúp hộ dân khác có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi” – ông Tài nói.
Cú hích từ tăng vốn ủy thác
Hiện nay, TP.Hội An là địa phương ủy thác ngân sách sang ngân hàng chính sách lớn nhất tỉnh với 8 tỷ đồng trong năm 2024. Kế tiếp là TP.Tam Kỳ 6,2 tỷ đồng; tiếp theo là các huyện Núi Thành, Phước Sơn, Thăng Bình…
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Hội An cho biết, nhu cầu vay vốn ưu đãi của người dân trên địa bàn để đầu tư cho kinh tế, xã hội là rất lớn.
Những năm qua, dù nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Hội An vẫn nỗ lực cân đối vốn địa phương ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhiều chương trình ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Mỵ – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An cho biết, ngân sách địa phương ủy thác đã tăng thêm nguồn vốn, qua đó triển khai thuận tiện hơn các chương trình cho vay ưu đãi.
Hiệu quả mang lại là rất lớn, đến nay trên địa bàn không phát sinh nợ xấu bởi người dân làm ăn đạt đã trả nợ đúng hạn. Cùng với đó, người vay vốn gửi tiết kiệm để làm giàu hơn nguồn vốn, tiếp tục cho các hộ dân khác có nhu cầu được vay vốn.
Ông Hoàng Thanh Lân – Trưởng phòng Kế hoạch – nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam) cho biết, trong năm 2024, vốn ủy thác của UBND tỉnh sang Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam là 110 tỷ đồng. Số vốn đó cộng thêm vốn ủy thác của các huyện, thị xã, thành phố tăng lên 142 tỷ đồng trong năm 2024.
Theo ông Lân, ngân hàng chính sách tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể để tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách. Đẩy nhanh cho vay, lồng ghép tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác, kiểm tra, giám sát trước, trong, sau khi cho vay… để phát huy hiệu quả tín dụng ưu đãi.