Ông còn diễn giải: Bụi tre nhé, nghĩa là bao gồm tất thảy những cây cối, cảnh vật thân quen nơi góc vườn nhà bạn!
Hệ sinh thái bụi tre
Làm du lịch từ câu chuyện của bụi tre nơi góc vườn – một ý tưởng thoáng nghe thôi cũng gợi mở bao thi vị.
Câu chuyện của làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) đã khởi đi như thế.
Vẻ đẹp của làng quê bình dị Triêm Tây với lũy tre xanh, với hệ sinh thái sông nước hữu tình đã níu chân người con đất Việt Bùi Kiến Quốc. Khoảng thời gian dài sinh sống và làm việc tại nước Pháp, đủ để vị kiến trúc sư này biết thiên nhiên quý giá ra sao.
Và 15 năm qua, TriemTay Garden đã kiên trì bền bỉ với ý tưởng “hệ sinh thái bụi tre”. Dẫu khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt, những cơn bão lũ do tính chất, vị trí địa lý của vùng đất ven sông đang bị xói lở khiến TriemTay Garden chịu không ít thiệt hại.
Ở góc độ địa phương, chúng tôi khởi thảo và hình thành dự án làng DLCĐ Triêm Tây – bắt đầu từ tâm điểm là Khu du lịch TriemTay Garden của ông. Sự hiếu kỳ, thích thú của du khách với ngôi làng rợp bóng tre xanh từng ngày lan tỏa.
Người dân làm quen với các hoạt động dịch vụ và khai thác giá trị chân quê từ những góc vườn nhà.
Đến đây, du khách có thể cảm nhận được những trò chuyện rì rào của cành cây, lá cỏ, hít hà hương vị nồng nàn của đất, của nước, của hương hoa. Họ cũng sẽ bất chợt gặp lại những lá hoa, cây trái, tiếng chim, cánh bướm gắn liền với tuổi ấu thơ nhưng lại đang dần xa vắng trên các con đường.
Trầm tích văn hóa ở đất bãi biền
Câu chuyện của bụi tre, góc vườn dung dị lại có sức lan tỏa diệu kỳ. Điện Bàn tiếp tục hình thành làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Phong, Điện Bàn) cùng đồng điệu với mạch quê từ Triêm Tây.
Đến với những nơi này, có lẽ du khách đừng kỳ vọng vào một mô hình chuyên nghiệp hay sự điều hành, hướng dẫn quá chuyên môn.
Hãy hòa với giọng nói, tiếng cười chất phác của các cô bác nông dân, thưởng thức món ăn dân dã từ rau trái vườn nhà.
Hay ý nhị hơn, lắng nghe câu chuyện của đất, của người Gò Nổi, để rồi yêu hơn, quý hơn từng hạt lúa củ khoai, từng phút giây thanh bình, êm ả đang hiện hữu.
Chừng 5 năm trước, cánh đồng hoa hướng dương tại bãi bồi Bến Đường trên vùng đất Gò Nổi đã làm nô nức bao bước chân du khách.
Tận mắt nhìn ngắm màu xanh biền bãi ngút ngàn, sục chân tay vào từng thớ đất ấm nồng, rất nhiều người, trong đó có cả những người con đang sinh sống trên vùng đất này mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương mình.
Những biền bãi ven sông Thu Bồn đã tồn tại mấy trăm năm theo dòng lịch sử. Đã mấy chục thế hệ người nông dân Điện Bàn, Quảng Nam khai canh, khai cư trên vùng đất này. Phong tục, tập quán, lễ hội… là những lớp trầm tích được bồi đắp, lắng sâu trong từng thớ đất.
Dòng chảy lịch sử, văn hóa của sông mẹ Thu Bồn, Gò Nổi phù sa, xuôi theo dòng sông đào Vĩnh Điện, hay bâng khuâng theo từng khúc lở bồi của dòng Cổ Cò… là những tài nguyên mà du lịch Điện Bàn đang có.
Cũng đã có nhiều người con trở về, nương vào bến quê, để làm du lịch. Là khu du lịch Âu Lạc đang kể chuyện của những thớ gỗ, hay bến sông Chợ Củi với hoa lửa của Đất nung Lê Đức Hạ, cồng chiêng Phước Kiều, hít hà thưởng thức hương vị đậm đà của tô mỳ Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống…
Vĩ thanh
Tài nguyên phong phú, nhân tình nồng hậu… nhưng nhiều năm qua, du lịch Điện Bàn vẫn là nốt trầm giữa khu vực du lịch sôi động Đà Nẵng- Hội An – Mỹ Sơn.
Làm du lịch trên đất nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa có lối đi thông thoáng. Nhiều dự án phải dừng lại. Các làng du lịch cộng đồng đang khép hờ cánh cửa…
Bụi tre, góc vườn, bãi quê…vẫn thao thức đón chờ!