Ngày 13/3, sau khi tiếp nhận và thẩm tra xác minh nguồn tin báo của công dân về vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 quyết định kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh P.N.T. (ở thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành).
Đây là cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng dụng cụ, trang phục thể dục, thể thao. Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện ông P.N.T. đang sử dụng website thương mại điện tử có tên miền “https//thethaonuithanh.com” để bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh P.N.T về hành vi “không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng”, đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 15 triệu đồng.
Đây chỉ là một trong số các vụ vi phạm hành chính hoạt động kinh doanh trên mạng internet được Cục QLTT tỉnh phát hiện, xử lý gần đây.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã xử lý 5 vụ; trong đó 4 vụ diễn ra trên địa bàn TP.Tam Kỳ dùng mạng xã hội facebook, zalo bán hàng. Các vi phạm chủ yếu gồm hàng không hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…
Ông Lê Cần – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, so với một số địa phương khác, gian lận hàng hóa trên mạng xã hội ở Quảng Nam không quá phức tạp hoặc có quy mô lớn, nhưng vẫn âm ỉ diễn ra nên không thể chủ quan.
Dù vậy, lực lượng chức năng rất khó phát hiện, xử lý bởi đa phần chủ trang zalo, facebook rao bán hàng đều không có kho chứa hàng, địa chỉ cụ thể, chỉ khi nào khách chốt đơn mới ship hàng đến.
Chưa kể, một số trường hợp hàng hóa được để chung lẫn lộn trong nhà với số lượng ít, lực lượng chức năng khó xử lý, bởi đòi hỏi phải có nhiều cơ quan tham gia và đúng quy trình trong vấn đề khám nhà…
“Một số trường hợp đơn vị nhận được phản ánh hoặc qua theo dõi, tra cứu trên không gian mạng phát hiện có hoạt động kinh doanh buôn bán, đến khi xâm nhập vào thì không thấy có hàng.
Chúng tôi từng phối hợp với Phòng Công nghệ mạng (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra xử lý một số trường hợp, nhưng số lượng xử lý không nhiều so với thực tế” – ông Cần cho biết.
Những năm trở lại đây, thương mại điện tử đã trở thành xu thế mang nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đối tượng lợi dụng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận về giá, thậm chí hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không thực hiện các quy định về bảo hành sản phẩm hay thông tin sản phẩm, đặc biệt trốn thuế do không kê khai doanh thu, hóa đơn chứng từ…
Trong khi việc điều tra, theo dõi không hề đơn giản, nhất là trong việc xác định địa chỉ facebook, địa điểm kho hàng cụ thể. Hiện tại, việc theo dõi, điều tra chủ yếu bằng phương pháp thủ công như xác minh, xâm nhập, theo dõi các trang mạng xã hội bán hàng trên địa bàn, khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm sẽ xây dựng phương án kiểm tra đột xuất.
Ngày 29/3/2023, Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định số 319 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 hướng đến hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Ông Lê Cần nhìn nhận, đây được xem là “bảo bối” trong phòng chống gian lận trên mạng thời gian tới.
“Trong Đề án 319 tất cả giải pháp, phương hướng đều được thể hiện, bao gồm đào tạo nghiệp vụ, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Thời gian tới, ngoài quản lý chặt địa bàn, Cục QLTT tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp theo đề án này nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng” – ông Cần thông tin.