Ông Phạm Hiếu – Trưởng Phòng Marketing Khách sạn Shilla Monogram: Hạn chế tối đa lượng nhựa hoặc bao ni lông phát sinh
Khách sạn Shilla Monogram Quảng Nam Đà Nẵng (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) ở vị trí trung tâm, ven biển, kết nối Đà Nẵng và TP.Hội An. Chúng tôi mang tới cho khách sự thuận lợi dễ dàng trong các hoạt động trải nghiệm vui chơi, giải trí ở các khu vực xung quanh. Giá trị nổi bật của khu lưu trú chính là không gian thoáng rộng, tiện ích như bãi biển đẹp, gần sân golf, đặc biệt khoảng cách di chuyển thuận lợi nên được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhất là nhóm khách gia đình và những người yêu thích chơi golf.
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh thị trường khách chủ lực Hàn Quốc đã xuất hiện thêm dòng khách Úc có thời gian lưu trú khá lâu, có khi lên đến 15 ngày. Trong gần 2 năm qua, khách sạn hầu như không còn dùng chai nhựa đựng nước, một số vật dụng khác cũng đã thay bằng vật liệu gỗ, mây tre, kể cả các thẻ phòng nhằm hạn chế tối đa lượng nhựa hoặc bao ni lông phát sinh (trừ loại bao nhựa chân không chứa cá thịt nhập vào nhà hàng vẫn chưa có giải pháp xử lý).
Năm 2023, khách sạn Shilla Monogram Quảng Nam Đà Nẵng được tờ báo Robb Report (Mỹ) tôn vinh là địa điểm tổ chức đám cưới tuyệt vời nhất (Best Luxury Wedding Venue), đồng thời đạt giải thưởng World Travel Awards là khu nghỉ dưỡng cho gia đình tuyệt vời nhất (Best Family Resort).
Việc chuyển đổi mô hình lưu trú theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững đã mang đến nhiều cơ hội hơn cho khu nghỉ dưỡng, góp phần định vị thương hiệu chung cho điểm đến du lịch Quảng Nam.(VĨNH LỘC ghi)
Ông Trần Thái Do – chủ đầu tư Khách sạn Silk Sense Hội An: Chọn hướng phát triển bền vững từ khâu thiết kế
Khách sạn Silk Sense Hội An chọn hướng phát triển bền vững rất sớm, ngay từ khâu thiết kế. Năm 2016 Silk Sense được xây dựng theo tiêu chí thân thiện môi trường (lúc đó chưa dùng chữ “xanh”) như bố trí mật độ xây dựng thấp (30%), vật liệu xây dựng chỉ sử dụng gạch không nung khí chưng áp AAC (thay vì gạch đỏ truyền thống phải dùng đất sét, than, nhiệt ảnh hưởng môi trường).
Đặc biệt, chúng tôi dùng hệ thống điều hòa trung tâm với giàn nóng không thải nhiệt ra không khí mà quay lại hệ thống nước, giúp đun nóng phục vụ sinh hoạt cho khách, tái sử dụng khí thải tuần hoàn. Riêng hồ bơi được xử lý lọc bằng muối khoáng thay vì clo, được khử trùng bằng ozone thay cho hóa chất…
Chưa bàn về hiệu quả kinh doanh, chỉ cần sự hài lòng của khách đối với các sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường đã là thành công. Cuối năm 2022, Silk Sense được chứng nhận đạt tiêu chuẩn xanh theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam, tiếp đến đầu tháng 9/2023 Silk Sense trở thành khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam. Lưu trú tại Silk Sense, khách không đơn thuần chỉ ở trong căn phòng tiện nghi mà sẽ cùng tham gia hoạt động không rác thải nhựa của khách sạn nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. (KHÁNH LINH ghi)
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng giám đốc, ceo của AZA travel: Quảng Nam nên tính đường dài trong phát triển du lịch
AZA Travel là một công ty kết nối và tổ chức tour trên toàn quốc. Quảng Nam là một trong những điểm đến nằm trong tour của đơn vị này nhiều năm nay. Khách hàng của AZA Travel là các du khách trong nước, Đông Nam Á và Đức. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc – CEO của AZA Travel, từ những trải nghiệm của mình, góp ý cho du lịch Quảng Nam.
“Tài nguyên du lịch của Quảng Nam rất phong phú với nhiều điểm đến ấn tượng cộng với văn hóa truyền thống đa dạng. Chưa kể, Quảng Nam còn gần với trung tâm du lịch của miền Trung là TP. Đà Nẵng. Chỉ cần bước xuống sân bay Đà Nẵng là 45 phút sau có thể vào tham quan phố cổ Hội An.
Đây là những thế mạnh khiến du khách tìm đến Quảng Nam rất nhiều trong các năm qua. Hội An luôn được nằm trong top các điểm đến thu hút nhất hành tinh do nhiều tạp chí thế giới bình chọn.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà Hội An quá tải. Những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực thay đổi khi giãn dần du khách ra các vùng ven hay là khu vực phố An Hội bên kia sông. Tuy nhiên, mọi thứ đang ở bề nổi, khu phố bên kia sông được đầu tư bên ngoài, khi vào sâu bên trong thì không có gì níu chân du khách.
Cách đây khoảng 20 năm, tôi vào Hội An và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của bãi biển Cửa Đại. Và nay thì địa điểm này chỉ còn trong ký ức do xói lở vì biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy của thiên nhiên. Điều này làm tôi lo lắng đến bãi biển An Bàng, dù chính quyền đã có động thái xây đê chắn một số vị trí nhưng nên tính toán dài hơi hơn vì đó chưa phải là giải pháp chắc chắn.
Hội An là một điểm đến hấp dẫn nhưng đã nhiều lần bị tổn thương bởi những sự cố ngoài ý muốn, mà nguyên nhân là khâu quản lý. Từ tiếng ồn ở rừng dừa Bảy Mẫu cho đến Cù Lao Chàm với nỗi ám ảnh khi xảy ra vụ lật tàu ca nô.
Ngay cả những cánh đồng rộng thênh thang, cảnh quan rất đẹp, nay đã bắt đầu có hàng quán, homestay dựng trên đất canh tác nông nghiệp. Còn rất nhiều chuyện đáng tiếc khác khiến Hội An trong lòng du khách bị phai nhạt.
Dưới con mắt của một người làm du lịch, tôi nghĩ chính quyền địa Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng cần có cái nhìn dài hơi hơn cho việc quy hoạch phát triển du lịch.
Cần những giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài cũng như quản lý chặt việc bùng nổ những vấn đề phát sinh của dịch vụ du lịch. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ một số doanh nghiệp có cùng quan điểm “vừa khai thác, vừa bảo vệ tài nguyên du lịch”. Nếu được như vậy, thì tôi nghĩ 10 – 20 năm nữa, Hội An cũng như Quảng Nam sẽ khác hơn bây giờ rất nhiều, chủ động trong mọi việc nhưng vẫn đẹp trong lòng du khách”.(AN NHIÊN ghi)