Lãng phí ngân sách
Trạm bơm Tứ Câu nằm giữa cánh đồng lúa ven sông Vĩnh Điện. Không có con đường nào khác ngoài từ con lộ ĐT603 hướng quốc lộ 1 xuống Điện Ngọc, rẽ phải, theo đường bê tông nhỏ hẹp, men theo bờ đất con mương nhỏ dẫn nước về Hòa Quý (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đến trạm.
Trần Quang Minh – một trong nhiều nhân viên vận hành trạm bơm nói thông thường trạm sẽ chạy 6 máy tưới cho hết diện tích 200ha lúa khu vực này.
Ngày 25/3/2024, chỉ chạy một máy cho tuyến kênh Hòa Quý. Các ruộng khác đã tưới xong. Sông luôn bị nhiễm mặn. Có năm, mỗi ngày chạy chống mặn chỉ vài tiếng, nên chính quyền đã phải đắp đập thời vụ để cứu các cánh đồng lúa.
Phía hạ lưu sông, cách trạm Tứ Câu khoảng 350m, một con đập bằng cát ngăn mặn, giữ ngọt (dài gần 100m) đã hoàn tất đầu tháng 3/2024 nối liền cánh đồng Ngân Câu và Viêm Trung (Điện Ngọc).
Theo UBND thị xã Điện Bàn, từ năm 2013 đến nay, hằng năm, thị xã phải bố trí ngân sách từ 3 đến 4 tỷ đồng để triển khai phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn.
Cụ thể là đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt nhằm đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng đông thị xã Điện Bàn và các khu vực TP.Hội An và Hòa Quý (Đà Nẵng).
Tuy nhiên, đập ngăn mặn là đập cát tạm. Hằng năm, đầu tư từ đầu năm dương lịch, tháo dở đập vào khoảng cuối tháng 9 dương lịch khi xong mùa vụ để đảm bảo dòng chảy vào mùa mưa lũ.
Không phải bây giờ mới có chuyện bồi lắng lòng sông và nhiễm mặn sông Vĩnh Điện. Theo TS.Lê Thị Mai (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và TS.Nguyễn Hường (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội), Châu bản triều Nguyễn cho biết sông Vĩnh Điện được cho khơi đào liên tiếp 3 năm (từ tháng 3 năm Minh Mạng thứ 5 – 1824 đến tháng 7 năm Minh Mạng thứ 7 – 1826), hao tốn không biết bao nhiêu tiền của, sức lực.
Triều đình nhà Nguyễn và người đương thời vẫn bất lực trước việc bồi lấp cửa sông, phù sa tắc ứ, dòng chảy bị thu hẹp, nước mặn tràn vào ruộng dân, không tiện cho việc tưới tiêu, đi lại giao thương.
Thậm chí quan đại thần Phạm Phú Thứ phải trình tấu “xin lấp sông”. Triều đình bất lực, chỉ biết cho khám xét, truy lại việc cũ để luận tội, phạt nặng các vị quan đã từng điều hành việc khơi đào (ngay cả những vị quan đã quá cố), dù sông Vĩnh Điện là 1 trong 6 con sông các vua Nguyễn cho khơi đào đã được khắc trên Dụ đỉnh!
Giờ đây, mỗi năm chính quyền thị xã Điện Bàn vẫn phải đắp đập. Đây là sự lãng phí ngân sách. Không ít câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền, cơ quan quản lý không tính đến việc đầu tư xây dựng một bara hay ít nhất một con đập tràn “vĩnh cữu” ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện?
Chưa có chủ trương
Theo dữ liệu chính quyền thị xã Điện Bàn công bố, nếu tính mỗi năm phải bỏ ra từ 3 đến 4 tỷ đồng để đắp đập, cộng lại cũng đã lên mấy chục tỷ đồng, đủ để có thể dựng một đập ngăn mặn “vĩnh cữu”, thay vì phải đi tìm cát đắp mỗi năm.
Ngay cả chuyện tìm cát xây đập không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”. Năm 2023, công trình đập thời vụ này đem ra đấu thầu (ngày 16/2/2023) đã không có doanh nghiệp nào tham dự gói thầu thi công vì giá cát trên thị trường quá cao.
Tháng 6/2023, tại cuộc làm việc với HĐND, UBND tỉnh, chính quyền thị xã Điện Bàn nhìn thấy rõ sự lãng phí ngân sách kéo dài, đã kiến nghị xin cho đầu tư xây dựng một đập ngăn mặn “vĩnh cửu” trên sông Vĩnh Điện để “giữ ngọt”, tạo nước tưới cho 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho cư dân thị xã. Các cơ quan quản lý cũng đồng thuận việc này.
Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói cần thiết sẽ phải nghiên cứu dự án khả thi đầu tư đập ngăn mặn. Nguồn lực có hạn, chỉ có thể đưa vào danh mục đầu tư 2026 – 2030.
Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói đã từng có ý mở hội thảo về việc đầu tư xây dựng đập ngăn mặn ít tác động đến môi trường, nhưng chưa có ý kiến chính thức cho chủ trương đầu tư.
Gần 9 tháng đi qua, không thấy bất cứ công văn hay ý định nào từ chính quyền cấp tỉnh trong việc chuẩn y hay đưa vào danh mục đầu tư trung hạn 2026 – 2030 dự án đầu tư xây dựng công trình “vĩnh cửu” đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện.
Theo tài liệu từ UBND thị xã Điện Bàn, 4 năm trước, chính quyền thị xã cùng các sở chủ quản (NN&PTNT, KH&ĐT) đi khảo sát một số bara ở miền Nam, khẳng định về mặt kỹ thuật hoàn toàn thực hiện được và vốn không nhiều.
Theo ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, chính quyền thị xã đã nhiều lần đề xuất dựng bara hay đập “vĩnh cửu”. Nhưng chính quyền Đà Nẵng không thống nhất.
Lý do xây đập sẽ chặn dòng, ảnh hưởng hạ lưu, nước mặn xâm nhập, nên làm ĐTM (đánh giá tác động môi trường) vẫn chưa được thống nhất cao. Thị xã không đủ thẩm quyền để quyết định đầu tư dự án này vì đây là nhánh sông cấp tỉnh quản lý.
Điện Bàn đã kiến nghị nhiều lần và sẽ tiếp tục kiến nghị các Sở TN-MT, NN&PTNT, KH&ĐT, UBND tỉnh chủ trì việc này. Thậm chí khi triển khai dự án cầu đường ĐH7, nối đường vành đai phía bắc, thị xã cũng đã đề xuất đầu tư luôn bara theo cầu, nhưng không được chấp thuận.
Chưa thể thống nhất việc xây đập ngăn mặn, giữ ngọt “vĩnh cữu” trên sông Vĩnh Điện. Không ít ý kiến cho rằng gần 2.000ha đất lúa ở Điện Ngọc, Điện Nam, Vĩnh Điện, Điện An, Điện Minh, Điện Phương… cần chuyển dịch sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, ông Trần Úc cho rằng nói chuyển dịch cây trồng, chấp nhận mặn không phải là chuyện đơn giản vì không biết sẽ trồng cây gì phù hợp thổ nhưỡng địa phương trên những cánh đồng này. Dù biết lãng phí ngân sách mỗi năm, nhưng cũng đành phải chờ quyết định từ cấp có thẩm quyền.