Vi phạm tràn lan
Trên tuyến quốc lộ (QL) 40B, hành lang an toàn đường bộ bị người dân, tổ chức, doanh nghiệp xâm phạm bằng cách xây dựng công trình lều quán, tường rào, cổng ngõ; kiên cố mặt đường dân sinh hiện trạng.
Cạnh đó, việc dựng biển quảng cáo; san lấp mặt bằng, lấn chiếm hành lang, tập kết vật liệu trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ; đấu nối trái phép; kè chắn đất xảy ra nhan nhản.
Ven các tuyến QL, đường tỉnh khác, tình trạng xâm phạm hành lang an toàn đường bộ chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, nhất là QL14D (qua huyện Nam Giang).
Ông Trương Văn Sơn – Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, năm 2023 đơn vị đã phát hiện và xử lý 150 trường hợp vi phạm về hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến QL, đường tỉnh. Trong đó, riêng trên tuyến QL14D, lực lượng chức năng phát hiện 54 vụ việc có dấu hiệu vi phạm.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, trên tuyến QL14D xảy ra 8 vụ liên quan. Vi phạm về hành lang an toàn đường bộ đã làm hư hỏng hạ tầng; ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng khai thác tuyến đường; phát sinh các đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ, “điểm đen” tai nạn giao thông.
Theo Thanh tra Sở GTVT, để xảy ra tình trạng nêu trên, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn do ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa cao.
Chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật, quy chế phối hợp xử lý vi phạm các tuyến QL và đường tỉnh trên địa bàn Quảng Nam. Đơn vị chức năng, Sở GTVT đã có nhiều văn bản gửi địa phương để đôn đốc xử lý nhưng vẫn chưa được triển khai kịp thời.
Ông Trương Văn Sơn cho biết, một số tuyến đường đang khai thác hiện nay chưa thu hồi toàn bộ diện tích đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ).
Điều này dẫn đến có trường hợp vi phạm do xây dựng công trình nằm trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, nhưng thuộc phần đất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ.
Công tác quản lý hồ sơ, dữ liệu đất đai tại một số địa phương còn nhiều vướng mắc, chưa sửa đổi, cập nhật dữ liệu sổ đỏ theo hiện trạng thực tế nên khó khăn trong phát hiện, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở thi hành xử phạt hành chính hoặc rào đóng, dừng thi công tạm thời công trình để có thời gian cho đối tượng vi phạm hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Chưa cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không tự nguyện khắc phục và đã quá thời hạn quyết định áp dụng buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do người có thẩm quyền ban hành.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản liên quan về bảo vệ, quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ chưa rộng rãi, để người dân nắm bắt và tuân thủ, nhất là khu vực miền núi.
Phát huy trách nhiệm
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT) – ông Thái Minh Hoàng cho biết, nhằm chấn chỉnh thực trạng nêu trên, trước hết phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, phổ biến nội dung “Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” theo Quyết định số 2117 (ngày 5/10/2023 của UBND tỉnh) đến chính quyền địa phương cấp xã và người dân sinh sống dọc các tuyến đường.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham mưu lĩnh vực giao thông thuộc UBND cấp xã về cách xác định đối tượng, hành vi vi phạm và trình tự xử lý theo quy chế đã ban hành.
Ông Sơn nói, đơn vị sẽ tham mưu Sở GTVT đôn đốc UBND cấp xã, cấp huyện tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy chế phối hợp và các quy định của pháp luật có liên quan.
Chính quyền các cấp cần xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tăng cường theo dõi việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra, kịp thời báo cáo các cơ quan liên quan để có kế hoạch tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Ngành giao thông ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu các vụ việc vi phạm mới phát sinh nhằm thuận tiện xử lý và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháo luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới…