Mục tiêu tổng quát của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế – xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh.
Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử – văn hóa và giá trị đương đại của di sản. Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “di sản sống”…
Mục tiêu định hướng của đề án đến năm 2035 là giúp bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; có 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị…
Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ có diện tích 30ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật.
Đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dữ sinh quyển thế giới vào năm 2009.
Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An hiện được phân cấp quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia phối hợp của 45 bên liên quan ở trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An.
Danh mục dự án thành phần thực hiện giai đoạn 2025 – 2030, định hướng đến năm 2035 sẽ thuộc các lĩnh vực: quy hoạch, hạ tầng, xây dựng chính sách; quản lý di sản; nghiên cứu khoa học, in ấn, xuất bản; bảo tồn, phát huy di sản; tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, truyền thông.
Đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 – 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán tổng kinh phí thực hiện của đề án là 1.670 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng nguồn vốn ODA tài trợ.