Những gam màu sáng
Đã nhiều hơn những nỗ lực trong việc kiến thiết hạ tầng, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ở các vùng phía nam của tỉnh. Sau khi 3 địa phương Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh bắt tay hiện thực hóa ký kết hợp tác phát triển du lịch (tháng 9/2022), những sản phẩm du lịch mang tính liên kết bắt đầu định hình.
Từ TP.Tam Kỳ, một bến thuyền và điểm check-in tại Bãi Sậy – Sông Đầm, phục hồi một số hạ tầng tại địa đạo Kỳ Anh tạo sự nối kết cùng các tuyến du lịch đường sông mở ra.
Du lịch cộng đồng cũng được chú trọng hơn với việc đầu tư đường giao thông tại làng sinh thái Hương Trà; mở điểm check-in, bến thuyền, tiểu hoa viên tại làng du lịch cộng đồng Cà Ban.
Năm 2023, địa đạo Kỳ Anh và làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh được Sở VH-TT&DL công nhận là điểm du lịch. Cũng năm ngoái, Tam Kỳ lần đầu tổ chức marathon Tam Ky Discovery 2023 với sự hưởng ứng của hàng nghìn người dân, du khách.
Cùng du lịch thể thao, du lịch trên các nền tảng số của địa phương này cũng đang phát triển mạnh với dự án “du lịch 1 chạm” – khám phá Tam Kỳ ở bất cứ đâu qua thiết bị số.
Tại huyện Núi Thành, các điểm du lịch biển, du lịch sinh thái… đều từng bước bổ sung, hoàn thiện sản phẩm dịch vụ. Một số vườn, nhà ở được cải tạo thành vườn cây ăn quả, homestay phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách…
Trong khi đó, huyện Phú Ninh đã ban hành phương án hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Tam Lãnh. Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, địa phương này đang cố gắng hoàn thiện chương trình du lịch tập trung vào việc khám phá, trải nghiệm các hoạt động xanh như đạp xe, leo núi, trekking khám phá rừng nguyên sinh, trồng cây bảo tồn môi trường…
Cải thiện về môi trường du lịch là điểm sáng lớn của cả 3 địa phương trong giai đoạn vừa qua. Ngoài các chương trình hành động từ phía chính quyền, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương đã giúp môi trường du lịch, nhất là môi trường biển khu vực này cải thiện mạnh mẽ để “ghi điểm” trong mắt du khách.
Mở lối dài lâu
Nâng cao năng lực lao động du lịch cũng là vấn đề được các địa phương chú trọng nhằm hướng đến mục tiêu duy trì bền vững các điểm du lịch hiện có.
Hiện tại, Tam Kỳ đang tập trung tập huấn cho hơn 300 lao động về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Núi Thành tăng cường tập huấn về du lịch cộng đồng và nghiệp vụ hướng dẫn tour tại khu vực du lịch biển Tam Tiến, Tam Hải.
Trong khi Phú Ninh tập trung tổ chức các lớp đào tạo, cập nhật nghiệp vụ du lịch cho lực lượng lao động và dân cư tại khu vực, những người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp để từng bước chuyển đổi nhận thức từ cộng đồng bản địa.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc kết nối thúc đẩy du lịch 3 địa phương phía nam vẫn còn bộn bề việc phải làm. Sự tham gia của khu vực tư đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của lĩnh vực du lịch tại đây vẫn còn mờ nhạt.
Chưa kể, ngoài lượng khách lưu trú tại các cơ sở du lịch thì khách đến khu vực phía nam của tỉnh chủ yếu mang tính thời vụ, tập trung vào một số thời điểm nhất định ở các sự kiện, lễ hội và số lượng chưa lớn.
Ông Nguyễn Chí Dân – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, hiện 3 địa phương đã mời Viện Phát triển công nghệ xanh tư vấn và hoàn thiện đề cương sản phẩm du lịch và tuyến du lịch để kết nối. Đây là nền tảng quan trọng để khu vực này hướng đến việc phát triển du lịch xanh, bền vững theo định hướng chung của tỉnh.
Được nhận định là đầu mối của du lịch phía nam, một số quy hoạch phân khu liên quan đến các điểm du lịch tại Tam Kỳ đã và đang được phê duyệt điều chỉnh như: phân khu 12 liên quan đến làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, phân khu 10 liên quan đến địa đạo Kỳ Anh, phân khu 3 liên quan đến làng sinh thái Hương Trà.
Ngoài ra, Tam Kỳ đang có kế hoạch lập quy hoạch làng du lịch cộng đồng Cà Ban và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế du lịch nghệ thuật cộng đồng xã Tam Thanh. Năm 2024, TP.Tam Kỳ đặt mục tiêu đón 430 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 15 nghìn lượt.