Tận dụng lợi thế
Cuối năm 2023, Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (khối phố Đông Khương, phường Điện Phương) đầu tư gần 150 triệu đồng xây dựng 10 căn nhà thủy tạ xung quanh hồ nước trong khuôn viên xưởng gỗ làm không gian trưng bày sản phẩm và chỗ nghỉ ngơi thư giãn cho khách tham quan.
Ý tưởng này xuất hiện khi ông Nguyễn Văn Tiếp – Giám đốc công ty nhận thấy việc kết hợp giữa sản xuất với du lịch chính là cách tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề.
“Điện Phương là nơi lưu giữ nhiều nghề truyền thống như đúc đồng Phước Kiều, gốm đỏ Lê Đức Hạ, mỳ Quảng Phú Chiêm… Đây là những nét văn hóa đặc trưng có thể hấp dẫn khách đến tham quan, trải nghiệm” – ông Tiếp nói.
Từ sau Tết Nguyên đán, thỉnh thoảng khách nước ngoài cũng tự tìm đến xưởng, đặc biệt một vài doanh nghiệp lữ hành cũng hứa hẹn đưa khách tới trong tương lai.
Với vị trí không quá xa Hội An, Điện Bàn đóng vai trò như điểm đến vệ tinh bên ngoài phố cổ. Hơn 10 năm trở lại đây, các miền quê Điện Bàn thu hút lượng khách tương đối lớn, nhất là dòng khách Âu, Úc.
Nắm bắt lợi thế này, một số điểm du lịch cộng đồng đã hình thành như Triêm Tây (Điện Phương), Cẩm Phú (Điện Phong)…, kết quả bước đầu khá tích cực.
Nếu như làng Triêm Tây đã phần nào định vị được thương hiệu trong bản đồ du lịch làng quê Quảng Nam thì Cẩm Phú hay cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương)… đang dần trở thành địa chỉ quan tâm của các công ty lữ hành và du khách nước ngoài.
Ông Lê Đức Hạ – chủ Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ cho biết, tuy mới ở giai đoạn thí điểm chưa hoàn thiện nhưng hầu hết khách tham quan đều đánh giá cao các dịch vụ, sản phẩm du lịch nơi đây, nhất là các trải nghiệm như học làm gốm, cảnh quan…
Thực tế những năm qua, du lịch làng quê luôn được Điện Bàn chú trọng. Sau kết quả ban đầu của các mô hình du lịch cộng đồng tại làng Triêm Tây và Cẩm Phú, từ năm 2021 dự án phát triển du lịch làng Tân Bình (xã Điện Trung) và các vùng phụ cận đã tiếp tục được triển khai.
Qua đó nhằm khai phá các dư địa còn lại của vùng đất Gò Nổi dựa trên những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử…
Thúc đẩy du lịch làng quê
Trong Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và năm 2045, Điện Bàn đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển du lịch địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ khách.
Đặc biệt, chú trọng kết hợp du lịch văn hóa với du lịch sinh thái, hình thành, kết nối các tour du lịch trong và ngoài đô thị. Dễ dàng nhận thấy, trong số 10 phân khu được quy hoạch thì có đến một nửa quy hoạch liên quan du lịch.
Cụ thể, phân khu khu đô thị ven biển (diện tích hơn 1.225ha) có chức năng như là trung tâm du lịch biển và phát triển hoạt động thể dục thể thao trên biển…
Phân khu đô thị Nam Phương (diện tích khoảng 1.432ha) được xác định có chức năng là khu đô thị, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ.
Phân khu Điện Hòa (diện tích trên 904ha) cũng được quy hoạch du lịch sinh thái…
Phân khu Điện Tiến (diện tích gần 1.118ha) ngoài chức năng là khu công nghiệp, khu ở còn phát triển các dịch vụ và du lịch sinh thái khu vực ven sông.
Đặc biệt, phân khu Gò Nổi (diện tích gân 3.619ha) sẽ tập trung phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái dọc hai bên bờ sông Thu Bồn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn phân tích, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nhất là hệ thống chuỗi làng nghề cùng sự kết nối giao thông tương đối thuận lợi…, đã tạo lập cơ sở quan trọng để các loại hình du lịch làng quê có cơ hội phát triển.
Sắp tới, ngoài triển khai công tác quy hoạch, tăng cường liên kết, kết nối doanh nghiệp lữ hành, Điện Bàn tiếp tục hoàn thiện các điểm đến như làng Cẩm Phú, làng Tân Bình và một số địa điểm di tích, lịch sử, cách mạng lân cận như Bến Đền, mộ Hoàng Diệu (xã Điện Quang)…
Từ đó, nhằm khai phá hết những dư địa du lịch làng quê của vùng Gò Nổi, giúp khách có thêm trải nghiệm trong hành trình khám phá du lịch Quảng Nam, đặc biệt trên con đường di sản kết nối phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên).