Chuẩn bị chu đáo
Những ngày qua, người dân tổ Trung An (thị trấn Trung Phước) tất bật trang trí đèn lồng, hoa, cây cảnh, tạo cảnh quang sạch đẹp quanh khu vực dinh Bà.
Ông Võ Hưng Khánh – Trưởng ban Quản lý di tích dinh bà Thu Bồn chia sẻ, tổ dân phố sớm tổ chức họp dân, thành lập ban lễ nghi, ban lễ tân, phân công các thành viên phục vụ hậu cần, xây dựng kịch bản cụ thể cho lễ hội, đảm bảo tiếp đón người dân và du khách chu đáo, an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thạch (tổ Trung An) cho biết, phụ nữ trong thôn họp bàn chuẩn bị các loại hoa quả, bánh, mâm cúng để dâng Bà, phân công nhiệm vụ nấu nướng phục vụ du khách.
Thị trấn Trung Phước trang trí 70 cờ đuôi cá, pa nô, băng rôn qua đường, lồng đèn, đường hoa dọc các tuyến đường chính khu trung tâm huyện và đường vào dinh Bà, dựng 3 tiểu cảnh quanh khuôn viên dinh Bà, tạo điểm “check-in”, tham quan thú vị cho du khách.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, chuẩn bị tổ chức lễ hội, địa phương đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở dinh Bà, san nền, lót đá, mở rộng lề đường từ quốc lộ 14H đến dinh Bà, trồng cây xanh quanh khuôn viên,…
[VIDEO] – Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Bà Thu Bồn tại thị trấn Trung Phước (Nông Sơn):
Tại huyện Duy Xuyên, tuyến đường từ ngã ba Nam Phước về lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân) bố trí khá nhiều pa nô quảng bá lễ hội Bà Thu Bồn. Quanh lăng Bà được trang trí cờ hoa vui mắt, quang cảnh thông thoáng sạch đẹp. Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến người dân, du khách trên trang Facebook, Zalo, Đài phát thanh – truyền hình…
Ông Nguyễn Công Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết, những ngày qua, cùng với việc treo băng rôn, pa nô, cờ đuôi cá truyền thông cho lễ hội thì địa phương cũng vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc vào đúng dịp diễn ra lễ hội. Xã thành lập ban tổ chức với 19 thành viên và 13 tiểu ban phục vụ.
Đa dạng hoạt động
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân – Nguyễn Công Trường, năm nay, khu vực tổ chức lễ hội gặp nhiều khó khăn do đang triển khai dự án cầu Sông Thu nhưng địa phương và nhân dân vẫn quyết tâm tổ chức lễ hội chu đáo, hoành tráng nhất có thể.
Bên cạnh phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống thì phần hội cũng có nhiều hoạt động như hô hát bài chòi, hát tuồng, đua thuyền, bóng chuyền, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc cùng các trò chơi dân gian khác.
“Địa phương tổ chức hội thi nữ công gia chánh với 7 đơn vị chi hội phụ nữ thôn, tổ nữ công trường học tham gia trình diễn gói, nấu một số loại bánh. Điểm nhấn là làm bánh gừng ngay tại khu vực lăng Bà để quảng bá, giới thiệu cho du khách” – ông Trường nói.
Trong khuôn khổ lễ hội Bà Thu Bồn năm nay, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như chương trình nghệ thuật Văn hóa Chăm pa, Âm vang sông Thu, hô hát bài chòi, đua thuyền, trò chơi dân gian, chạy điền kinh, cờ tướng. Đáng chú ý là nghi thức mới lễ rước lửa thiêng cũng được đưa vào chương trình để nghi lễ trở nên nghiêm trang hơn.
Với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tin tưởng rằng Lễ hội Bà Thu Bồn năm nay sẽ diễn ra thành công, trở thành sự kiện văn hoá hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội – một loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.