(QNO) – Chiều nay 27/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dưới sự chủ trì của các đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều (bỏ Điều 2 và Điều 4; bổ sung 3 điều 71, 72 và 73; ghép Điều 102 và Điều 103, do đó, số lượng điều vẫn giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã cho ý kiến góp ý vào nhiều nội dung được chủ trì gợi ý, về nhóm vấn đề chính sách của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư; vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới; quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng quan tâm góp ý đối với nội dung các trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Về đất để xây dựng nhà ở xã hội; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Các hành vi bị nghiêm cấm, và bị điều chỉnh bởi các luật hiện hành. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Đáng chú ý, trong các nội dung được đại biểu các sở, ngành, địa phương quan tâm góp ý là về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, như phương án 1 được Chính phủ trình. Việc quy định này là cần thiết đảm bảo cho việc khắc phục những vướng mắc, bất cập trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay; đảm bảo an toàn cho người ở.
Giải trình về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp tháng 3/2023, Chính phủ đã trình hai phương án (phương án 1 quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Tuy nhiên, qua xem xét cho thấy phương án 1 không nhận được sự đồng tình của các cơ quan, tổ chức hữu quan, dư luận xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất, do đó đã đề nghị Chính phủ cân nhắc. Chính phủ đã tiếp thu không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Song, để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư (niên hạn sử dụng).
Cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi khu chung cư và trình tự, thủ tục đầu tư dự án cải tạo lại nhà chung cư nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về vấn đề này.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cũng như chuyển đến diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp sắp tới khi tham gia thảo luận, góp ý đối với dự thảo luật.