Làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, chính quyền các địa phương miền núi đều kiến nghị UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để sớm có giải pháp, phối hợp với địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong vùng dự án.
Chưa bố trí vốn tạm ứng
Dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Bắc Trà My bắt đầu triển khai từ năm 2008, với tổng diện tích đất được UBND tỉnh cho hai Công ty Cao su Nam Giang – Quảng Nam và Công ty Cao su Quảng Nam thuê hơn 2.298ha.
Năm 2021, sau khi tiến hành rà soát lại diện tích đất thuê trồng cao su, hai công ty đã thống nhất chuyển trả lại cho UBND các xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Nú, Trà Tân 1.427ha không còn nhu cầu sử dụng. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi đất, Sở TN-MT cũng đã hoàn thành công tác bàn giao đất cho các địa phương quản lý.
UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tổng diện tích đất cao su có nhu cầu đo đạc lại, đo đạc bổ sung, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hơn 469,6ha; kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ 387 hồ sơ. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện hơn 588 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Thông – Trưởng phòng TN-MT Bắc Trà My, huyện đang thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn theo Nghị quyết 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh.
Do vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh thống nhất việc thực hiện đo đạc, cấp GCNQSDĐ đối với đất cao su tại 3 xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka được thực hiện chung trong dự án này để thuận lợi cho công tác quản lý, giải quyết kịp thời nhu cầu cấp GCNQSDĐ và thực hiện thủ tục cho thuê đất, song chưa được chấp nhận.
Đối với đất cao su tại các xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Nú, huyện kiến nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương phê duyệt kinh phí riêng cho đất cao su để huyện tổ chức thực hiện.
Qua hơn 10 năm triển khai dự án phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Tây Giang, đến nay đa số diện tích đã bước vào thời kỳ thu hoạch, góp phần tạo thu nhập cho nhân dân trồng cao su.
UBND huyện Tây Giang cho biết, trong tổng số hơn 1.524,1ha cao su đã trồng tại 6 xã, UBND huyện đã tổ chức đo đạc, cấp GCNQSDĐ tại hai xã với diện tích hơn 397,3ha. Còn lại 4 xã với diện tích hơn 1.126,7ha dự kiến sẽ cấp vào thời gian đến.
Tuy nhiên, tất cả diện tích cao su đã trồng đều là đất canh tác thuộc sở hữu của người dân và chưa được sự thỏa thuận, thống nhất cơ chế hưởng lợi giữa người dân có đất và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Nam Giang – Quảng Nam nên chưa nhận được sự đồng thuận, tạo tâm lý bất an và nhiều ý kiến kiến nghị của người dân.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đến nay Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vẫn chưa bố trí vốn tạm ứng để thực hiện công tác đo đạc lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân đã góp vốn trồng cao su theo Thông báo số 225 ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh.
Sớm giải quyết dứt điểm
Theo ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, để hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan, tạo sự đồng thuận và an tâm của người dân, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp giữa người dân trồng cao su và doanh nghiệp, địa phương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm việc với hai đơn vị trên.
Trên cơ sở đó, khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, người dân có đất trồng cao su nhằm thống nhất phương án thuê quyền sử dụng đất và các cơ chế hưởng lợi có liên quan của người dân.
Sở TN-MT cho biết, đối với đất quy hoạch trồng cây cao su tại địa bàn các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, UBND tỉnh đã có chỉ đạo đẩy nhanh công tác đo đạc lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân đã góp đất trồng cao su.
Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2022 (Thông báo số 225 ngày 16/6/2021) từ nguồn vốn ứng trước của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện do chưa bố trí vốn.
Trước kiến nghị của các địa phương, tại Công văn số 3910 ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân góp vốn để trồng cao su.
Trên cơ sở kết quả rà soát, lập thiết kế kỹ thuật – dự toán kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ trồng cao su cho các hộ gia đình, cá nhân gắn với lộ trình, kinh phí thực hiện gửi hồ sơ về Sở TN-MT để tổng hợp.
Từ đó, tham mưu UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giải quyết tạm ứng trước nguồn vốn cho các địa phương thực hiện, sớm hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân trong vùng dự án.
Ghi nhận kiến nghị của các địa phương miền núi tại cuộc giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh đề nghị ngành chuyên môn của tỉnh tập trung tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để sớm giải quyết dứt điểm, đáp ứng nguyện vọng của người dân.