(QNO) – Ngày 28/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành giao thông vận tải (GTVT). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn – Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Ban hành hơn 14.000 văn bản chỉ đạo
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, lãnh đạo bộ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quán triệt tới toàn bộ các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành GTVT phát huy tinh thần làm việc với quyết tâm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với phương châm: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Bộ GTVT đã ban hành 12 chỉ thị, 54 công điện, hơn 400 thông báo kết luận và hơn 14.000 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch.
Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; xây dựng thể chế được coi trọng. Bộ GTVT đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia. Tập trung triển khai xây dựng 2 đề án rất quan trọng về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Quản lý hoạt động vận tải; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phòng, chống lụt bão… đạt những kết quả quan trọng.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án. Có 20 dự án hoàn thành; trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.
Năm 2023, với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của Bộ GTVT, lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 94.161 tỷ đồng. Đến hết tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 90% kế hoạch; dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt hơn 95%.
Thanh tra ngành GTVT đã thực hiện 72.142 cuộc thanh tra, kiểm tra. Bộ GTVT chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, thanh tra, kiểm tra chuyên đề, diện rộng toàn quốc về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, về hoạt động kinh doanh vận tải, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Đối với đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đã chuyển thông tin 6 cơ sở đào tạo và 1 đơn vị có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Cần tiếp thu, khắc phục hạn chế
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành GTVT đạt được trong năm 2023. Đặc biệt, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công trực tuyến 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2; cuối năm khánh thành trực tuyến 4 dự án liên quan đến sân bay, đường cao tốc, cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà ngành GTVT cần khắc phục. Đó là, công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GTVT không lơ là chủ quan mà phải luôn nỗ lực cố gắng để khắc phục tồn tại. Năm 2024, Bộ GTVT cần tiếp thu nghiêm túc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, bảo hành bảo trì để đảm bảo chất lượng công trình, giảm giá thành, chống tiêu cực. Ngành cần nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời vướng mắc xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng thể chế. Giữ vững kỷ cương kỷ luật, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực để thực thi; nhưng phải chú ý giám sát chặt chẽ việc đã phân cấp, phân quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Chú ý giám sát, kiểm tra và chống tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…