Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.
Thời gian qua, miền Trung có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Tuy nhiên, miền Trung cũng đang còn đối mặt với những vấn đề tồn tại như tăng trưởng còn thấp hơn mục tiêu đặt ra, kinh tế biển chưa có tính đột phá, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam khẳng định, với vị trí nằm ở trung điểm miền Trung, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với các tuyến đường cao tốc, cảng biển nước sâu, sân bay… nên Quảng Nam rất thuận lợi đối với việc vận chuyển hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa các tỉnh vùng Tây Nguyên, các địa phương thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia.
Đặc biệt, cùng với Trung tâm công nghiệp Khu kinh tế mở Chu Lai, các ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ phát triển đã góp phần đưa Quảng Nam dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Qua đó, tạo lợi thế rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đã đưa ra những sáng kiến đóng góp có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, giúp các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi, thị trường phù hợp như, phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa các hoạt động logistics, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy kinh tế xanh, thương mại điện tử; xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối quốc tế…
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp địa phương khu vực miền Trung, các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Phòng Thương mại quốc tế Dubai, đặc biệt với các nhà phân phối lớn như Central Retail, Lotte, WinCommerce, AEON, SaiGon CO.OP…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/16-tinh-thanh-tham-du-hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-mien-trung-3137114.html