Báo cáo của UBND tỉnh đánh giá, thời gian qua, công tác tiếp công dân được Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64 ngày 26/6/2014 của Chính phủ, Thông tư số 06 ngày 31/10/2014 và Thông tư số 04 ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân.
Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành 639 văn bản để thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân.
Về công tác tiếp công dân, trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn tỉnh tổ chức tiếp 105.821 lượt với tổng số 114.304 người, liên quan đến 99.604 vụ việc. Tổng số đơn thư đã tiếp nhận trên các lĩnh vực là 86.494 đơn.
Trong đó, số đơn thư đủ điều kiện xử lý là 80.030 đơn/79.863 vụ việc; phân loại theo thẩm quyền (thuộc thẩm quyền) có 61.988 đơn (3.399 đơn khiếu nại, 426 đơn tố cáo, 58.163 đơn kiến nghị, phản ánh). Kết quả xử lý đối với 18.042 đơn không thuộc thẩm quyền: đã hướng dẫn 5.164 đơn, chuyển 12.180 đơn, đôn đốc giải quyết 698 đơn. Số văn bản phúc đáp nhận được do chuyển đơn 6.388 văn bản.
Ông Huỳnh Ngọc Tiên – Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai 797 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 1.404 đơn vị.
Qua thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác tiếp dân đúng theo quy định; thực hiện quy trình, thủ tục về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, thụ lý giải quyết, quyết định xác minh, báo cáo kết quả xác minh, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, công khai kết quả giải quyết, cập nhật, lưu trữ hồ sơ đúng theo quy định.
Các kết luận, kiến nghị thanh tra tiếp công dân đều được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc. Đã kiến nghị xem xét trách nhiệm của 131 tập thể và 114 cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật về tiếp công dân còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đặc thù của tỉnh đang phát triển năng động, nhất là các địa phương vùng Đông (Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành) nên tiềm ẩn những yếu tố phức tạp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng sử dụng đất đai, khoáng sản; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho việc triển khai các dự án đầu tư; cùng với yếu tố lịch sử, sự thay đổi và việc thực hiện, áp dụng pháp luật chưa thống nhất đã và đang là thách thức, trở ngại lớn, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện và khó khăn trong việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Mặt khác, các kiến nghị, phản ánh tập trung đông người liên quan đến việc huy động, góp vốn, nhận sản phẩm đất nền tại các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ, vướng mặt bằng chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã và đang phát sinh, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp” – ông Tiên cho biết.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/10-nam-thuc-hien-luat-tiep-cong-dan-quang-nam-tiep-114-304-nguoi-99-604-vu-viec-3146288.html