1. Huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân phòng chống đại dịch COVID-19
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh (năm 2020 và 2021), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, nhất là ban công tác mặt trận khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.
Tích cực vận động nguồn lực xã hội tham gia ủng hộ kinh phí hơn 110 tỷ đồng và nhu yếu phẩm, vật tư y tế… hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và nhân dân; phát động phong trào “tương thân tương ái” kêu gọi nhân dân các địa phương trong tỉnh tích cực ủng hộ 615 tấn lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả… hỗ trợ trực tiếp cho người dân và bà con đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
2. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tăng về lượng, nâng về chất
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được tập trung thực hiện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục là hoạt động nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua.
Với phương châm “Chủ động – Cụ thể – Chặt chẽ – Chất lượng”, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng và chủ trì tổ chức 2.451 cuộc giám sát chuyên đề; 1.085 cuộc phản biện xã hội.
Sau giám sát, phản biện xã hội đã ban hành 3.329 văn bản kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản theo quy định.
3. Huy động nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, xóa nhà tạm
Hưởng ứng phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh phân công nhận giúp đỡ 15.029 hộ nghèo, cận nghèo là hội viên, đoàn viên và nhân dân vươn lên thoát nghèo. Quỹ vì người nghèo các cấp vận động hơn 181,5 tỷ đồng.
Từ các nguồn lực vận động, Mặt trận các cấp đã tập trung hỗ trợ xây mới và sửa chữa 8.482 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Trong đó, cấp tỉnh hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 5.389 nhà ở.
4. Tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026
Căn cứ quy định của pháp luật về bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử 99,94%; chủ trì hiệp thương, giới thiệu nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần để HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện bầu làm hội thẩm nhân dân cùng cấp với tổng số 339 vị hội thẩm nhân dân; tích cực phối hợp đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội theo hướng đa dạng đối tượng, địa bàn và tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề…
5. Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác Mặt trận
Cuối tháng 3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đưa vào vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với tổng mức đầu tư hơn 18,5 tỷ đồng. Hệ thống có 20 điểm cầu gồm 1 điểm cầu chính tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, 18 điểm cầu tại Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và 1 điểm tại trung tâm dữ liệu tỉnh.
Hệ thống cho phép liên thông với hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của khối đảng, UBND và kết nối đến cơ quan trung ương. Hiện nay, Mặt trận các cấp vận hành hợp lý, hiệu quả trang cộng đồng Fanpage, nhóm Zalo… của Mặt trận các cấp. Việc điều hành, xử lý công việc qua Q-office kịp thời, thông suốt.
6. Tăng cường gắn bó, hợp tác với Mặt trận tỉnh Sê Kông (Lào)
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thiết lập quan hệ hợp tác với Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sê Kông. Tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Biên bản hợp tác giai đoạn 2016 – 2021, ký kết giai đoạn 2022 – 2027; hỗ trợ thiết bị văn phòng, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ của Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sê Kông; hỗ trợ tỉnh Sê Kông 381 triệu đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19, tặng hơn 300 suất quà cho sinh viên Lào đang học tập tại Quảng Nam; định kỳ luân phiên hằng năm tổ chức hội đàm thường niên giữa hai bên.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương vùng biên giới tỉnh Quảng Nam thường xuyên duy trì và tăng cường các hoạt động kết nghĩa với 35 thôn của 2 huyện Nam Giang, Tây Giang với 16 bản của huyện Đắc Chưng và Kà Lừm tỉnh Sê Kông.
7. Ấn tượng Liên hoan văn nghệ tôn giáo
Lần đầu tiên được tổ chức năm 2016, đến năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thành công chương trình Liên hoan văn nghệ các tôn giáo tỉnh Quảng Nam lần thứ II.
Tham gia liên hoan có hơn 600 diễn viên không chuyên đến từ 4 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động văn hóa – nghệ thuật có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để đồng bào các tôn giáo trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần tăng cường hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo trong tỉnh.
8. Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì, hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể, huy động nội lực đóng góp hơn 121,1 tỷ đồng, hiến tặng hơn 1,637 triệu mét vuông đất và tham gia 220.332 ngày công để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững…
9. Tổ chức Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết
Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết, tạo nguồn tác phẩm dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Qua 2 năm tổ chức (năm 2023, 2024), Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết tỉnh Quảng Nam đã nhận được sự tham gia đông đảo của các tác giả, nhóm tác giả. Qua đó góp phần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
10. Tổ chức thành công Đại hội Mặt trận cấp xã, huyện và củng cố tổ chức, cán bộ Mặt trận
Đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh có 241/241 xã, phường, thị trấn tổ chức xong Đại hội cấp xã nhiệm kỳ 2024 – 2029. Tổng số Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã gồm 7.889 vị, bảo đảm số lượng, cơ cấu thành phần hợp lý; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã cơ cấu đủ 3 chức danh theo quy định và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đều là cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã.
Đối với cấp huyện, đến ngày 28/6/2024, 18/18 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành tổ chức Đại hội Mặt trận nhiệm kỳ 2024 – 2029. Tổng số Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện gồm 979 vị, bảo đảm số lượng, cơ cấu thành phần theo quy định, chú trọng tính thiết thực, tiêu biểu và đại diện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện có từ 3-5 người.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, trong đó có 10 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đồng thời là Trưởng ban Dân vận cấp ủy cùng cấp; có 7 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/10-dau-an-noi-bat-cua-mat-tran-quang-nam-giai-doan-2019-2024-3140207.html