(QBĐT) – Bước vào mùa mưa bão năm 2024, các loài chim hoang dã, di cư đến kiếm ăn, trú ẩn ở nhiều nơi, dẫn đến tình trạng săn bắt, bẫy chim, gây ảnh hưởng xấu đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh. Nhận định sớm về nguy cơ này, thời gian gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác phối hợp nhằm bảo tồn hiệu quả các loài chim hoang dã, di cư.
|
Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Trung Hiền cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền 134 đợt và thực hiện kiểm tra 34 đợt liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã phát hiện, tiêu hủy 2.903 chim mồi giả, 1.908m lưới, 20.400 que nhạ, 7 bộ máy phát tín hiệu, hàng chục bẫy kẹp và nhiều dụng cụ khác…
Ngoài ra, chi cục còn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm cơ sở tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; xử lý nghiêm hành vi săn bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư; quan tâm hướng dẫn các chủ rừng…
Đặc biệt, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ loài, hệ sinh thái; phối hợp với hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình, thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) triển khai các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Văn Minh
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-tan-diet-chim-hoang-da-di-cu-2222216/