(QBĐT) – Huyện Minh Hóa hiện có 46 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non công lập; trong đó có 18 trường mầm non, 13 trường tiểu học (TH), 8 trường THCS, 4 trường TH-THCS, 2 trường phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học… nhưng huyện Minh Hóa vẫn tập trung nguồn lực nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới.
Là huyện miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nên công tác xã hội hóa giáo dục ở huyện Minh Hóa gặp nhiều trở ngại, bất cập. Cơ sở vật chất nhìn chung ở các trường học còn thiếu và yếu, vẫn còn phòng học tạm; nhiều hạng mục cơ sở vật chất đã xuống cấp nhưng thiếu nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa; thiếu thiết bị dạy học nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến rất chậm, tình trạng thiếu giáo viên cũng như việc học sinh (HS) bỏ học giữa chừng vẫn còn diễn ra… Vì vậy, bước vào năm học mới 2024-2025, ngành giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) huyện Minh Hóa đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế để thi đua dạy tốt, học tốt.
Trường TH Tân Hóa có ba điểm trường với 20 lớp học. Hiện nay, một số phòng học, khu nhà công vụ cho giáo viên, sân chơi, công trình vệ sinh cho HS… đã xuống cấp do các trận lũ lớn và thiếu kinh phí tu sửa hàng năm. Hiệu trưởng nhà trường Mai Anh Đào cho hay: “Trường chưa đạt chuẩn quốc gia vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, cũng từ đó đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên và HS”.
Trước đó, trong tháng 7/2024, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD-ĐT trên địa bàn và đánh giá: Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở huyện Minh Hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều trường đã quá hạn nhưng chưa đủ điều kiện để đề nghị kiểm tra, công nhận nhận lại. Toàn huyện chỉ có 2/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 4,3%.
|
Trước khi bước vào năm học mới 2024-2025, Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất lớp học, thiết bị hỏng hóc, còn thiếu… Đặc biệt, căn cứ trên nhu cầu mua sắm trang thiết bị của các nhà trường để chủ động tham mưu đề xuất UBND huyện cấp kinh phí.
Phó trưởng Phòng GD-ĐT Minh Hóa Trần Minh Thiết cho biết: “Phòng đã chủ động kế hoạch xin cấp và mua mới, nhất là trang thiết bị phục vụ dạy học cho chương trình lớp 5, lớp 9 theo đúng quy định của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm bảo đảm đáp ứng mức tối thiểu gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học”.
Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trong khi đó, huyện Minh Hóa là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở 4 xã biên giới: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Trước thềm năm học mới 2024-2025, ban giám hiệu các nhà trường ở các xã biên giới đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức đi đến từng nhà có HS trong độ tuổi để vận động phụ huynh đưa con đến trường.
Theo Hiệu trưởng Trường TH-THCS Thượng Hóa Phan Thế Dũng: “Nhà trường hiện có 3 điểm trường, trong đó điểm trường chính đóng tại bản Yên Hợp, 2 điểm còn lại đóng tại bản Ón và Mò O Ồ Ồ. Năm học 2024-2025, trường có 10 lớp TH và 4 lớp THCS với tổng số 161 HS. Hầu hết HS đều là đồng bào các tộc người Rục, người Sách, thuộc dân tộc Chứt. Chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Cà Xèng để tuyên truyền, vận động HS đi học. Cùng với đó, giáo viên dạy lớp 1 đã phải tiến hành dạy chữ cho HS theo chương trình tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS”.
Khác với những HS ở vùng thuận lợi, đối với các HS DTTS nơi đây, bên cạnh việc dạy học, cán bộ, giáo viên các nhà trường còn nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý của HS để kịp thời động viên các em đến lớp đều đặn mỗi ngày, không để HS bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, các HS DTTS chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ, ít giao tiếp bằng tiếng Việt nên khả năng nghe, đọc, viết, nói bằng tiếng Việt còn hạn chế. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, các trường đã đặc biệt quan tâm đến công tác này.
“Vừa qua, tôi được nhà trường cử đi tập huấn ở Sở GD-ĐT về dạy tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS. Trở lại trường, tôi bắt tay ngay vào việc dạy học cho HS. Bởi, HS lớp 1 vào đầu năm học là lúc chuyển từ hoạt động chủ đạo từ chơi sang hoạt động học tập nên giáo viên phải ổn định nền nếp, tạo môi trường giao tiếp và phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt cho các em”, cô giáo Đinh Thị Thu Hằng, Trường TH-THCS Thượng Hóa chia sẻ.
Có thể thấy, nhiệm vụ dạy học cho HS ở huyện miền núi là khá nặng nề nhưng hiện tại các trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa lại thiếu giáo viên khá trầm trọng. Năm học 2024-2025, tổng biên chế sự nghiệp được giao cho ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa là 1.316 biên chế. Số biên chế thiếu so với chỉ tiêu được giao khoảng trên 60 biên chế.
Qua trao đổi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Nguyễn Hữu Thọ thông tin: “Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, phòng đã thực hiện phân công giáo viên dạy liên trường đối với HS khối 3, 4, 5. Đối với các trường hai cấp TH-THCS thì chỉ đạo các trường chủ động bố trí giáo viên cấp THCS dạy vượt tiết ngay từ đầu năm học; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên môn Tiếng Anh ở các trường TH, THCS, TH-THCS trên địa bàn huyện tự nguyện dạy trực tuyến vào các ngày trong tuần đối với những trường còn thiếu giáo viên”.
Để hoàn thành tốt mục tiêu, phương hướng đề ra trong năm học mới 2024-2025, trên cơ sở bám sát chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa đang nỗ lực hơn nữa trong việc khắc phục những hạn chế, tồn tại, bảo đảm cho việc đổi mới giáo dục tiếp tục có sự bứt phá toàn diện hơn và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202409/vuot-kho-de-thi-dua-day-tot-hoc-tot-2220982/