(QBĐT) – Những năm qua, nhờ có sự “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Hằng, thôn Phúc Nhĩ, xã An Ninh đã vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Trước đây chị Hằng làm công nhân ở miền Nam, chồng chị làm lái xe. Sau nhiều năm bươn chải nơi đất khách quê người, gia đình chị quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Với số vốn chắt bóp được từ nhiều năm tha hương, vợ chồng chị Hằng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chị chỉ nuôi thử nghiệm vài con lợn nái với mục đích lấy công làm lãi. Nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, gia đình chị Hằng quyết định mở rộng quy mô, tăng đàn vật nuôi.
Đầu năm 2023, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị Hằng mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh để xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống. Nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ, hạn chế mầm bệnh phát sinh, chị duy trì nuôi 25 con lợn nái và lợn thịt. Khi thực hiện tái đàn, chị Hằng tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn như rau, chuối và các phụ phẩm để chế biến thức ăn tại chỗ, giảm chi phí khi giá cả thức ăn chăn nuôi lên cao. Trong quá trình nuôi, chị luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
|
Chị Hằng cho biết, đàn lợn của gia đình chị được các thương lái chuộng mua bởi chất lượng thịt luôn đạt chuẩn. Ngoài nguồn thức ăn “chuẩn sạch”, chị còn tự tay làm men tỏi, đạm cá cho lợn ăn để kháng bệnh, hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 4 lứa lợn, đem lại thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Vốn là người phụ nữ “hay lam hay làm”, khi mô hình chăn nuôi lợn dần ổn định, chị mạnh dạn trồng và nuôi thử các loại vật nuôi khác. Tận dụng đất vườn đồi, chị bắt tay vào nuôi thử nghiệm dê và bò.
Chị Hằng chia sẻ, chị chọn nuôi dê vì sau một thời gian tìm hiểu, cũng như học hỏi từ một vài mô hình ở địa phương, nhận thấy đây là đối tượng tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, có đầu ra và giá cả ổn định. Nhờ sẵn nguồn thức ăn cùng với sự chăm sóc chu đáo nên đàn dê phát triển tốt, sinh sản đều, số lượng tăng nhanh. Hiện chị duy trì nuôi 28 con dê, 4 con bò và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đàn.
Trong một lần đến chơi nhà bạn, nhận thấy mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao, vợ chồng chị Hằng liền bắt tay vào nuôi thử nghiệm giun quế. Tận dụng diện tích 100 mét vuông đất vườn, chị Hằng mua giống giun quế từ Nghệ An về nuôi.
Chị cho biết, nuôi giun quế rất dễ bởi đây là loại động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ vì thế đã giúp việc xử lý những chất thải từ gia súc gia cầm, phụ phẩm nông nghiệp không gây ô nhiễm môi trường. Phân dê, bò, lợn thải ra sẽ được chị Hằng ủ qua chế phẩm sinh học sau đó dùng để làm thức ăn cho giun quế. Lượng phân này sau khi thu hoạch giun quế sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ để bón cho rau màu, cây ăn quả trong vườn nhà.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phúc Nhĩ Nguyễn Thị Thanh cho biết, tổ hiện có 31 hội viên với dư nợ gần 1,5 tỷ đồng. Chị Hằng là một trong những hội viên tiêu biểu về sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Trong quá trình sử dụng nguồn vốn gia đình chị luôn thực hiện tốt quy ước hoạt động của tổ, trả lãi và tham gia tiết kiệm đầy đủ hàng tháng. Từ nỗ lực vươn lên của vợ chồng chị và sự “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn tín dụng chính sách, mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Thời gian tới, tổ sẽ tiếp tục tạo điều kiện để chị Hằng được vay vốn phát triển sản xuất. |
Giun quế phát triển rất nhanh, quá trình nuôi sau 30 ngày là có thể xuất bán. Hiện, số lượng giun quế tại trang trại của chị Hằng chủ yếu bán cho các hộ dân làm thức ăn để câu cá với giá bán trên 100.000 đồng/kg.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chị Hằng dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chị cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm qua, các loại vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định cho doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực không ngừng, chị Hằng đã thành công trong chăn nuôi, làm giàu trên vùng đất khó, với doanh thu gần 300 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, chị Hằng cho biết: “Nếu được PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh tạo điều kiện, tôi sẽ tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập”.
L.Chi