(QBĐT) – Nhà văn Trần Công Tấn qua đời lúc 20 giờ 30 phút ngày 7/9/2024 (nhằm ngày 5 tháng 8 năm Giáp Thìn) tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 92 tuổi.
Anh mất đi để lại trong lòng bạn đọc và những người viết văn lòng tiếc thương vô hạn. Anh đã để lại trong tâm trí của những người viết văn Quảng Bình bao kỷ niệm khó quên. Cứ mỗi lần anh đưa gia đình ra thăm lại mảnh đất Quảng Bình-nơi mà gia đình đã gắn bó suốt cả thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, là anh lại gọi điện cho nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ Văn Lợi, cho tôi và nhiều người khác đến gặp gỡ thân thương và tặng sách mới của anh, tặng quà lưu niệm.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những ngày được sống bên anh một tháng trong một trại viết ở Nha Trang. Lần ấy, sắp xếp được công việc, tôi thực hiện được lời mời tham gia trại sáng tác của Chi hội nhà văn Việt Nam Bộ Công an. Trại được tổ chức tại TP. Nha Trang trong tháng 10/2011. Điều quý nhất đối với tôi là được gặp lại rất nhiều người thân quen toàn tuổi hoa giáp trở lên. Nhiều người đã gần hai mươi năm mới gặp lại như các nhà văn: Lương Sĩ Cầm, Dương Duy Ngữ, Hữu Ước, Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Mai Vũ, Phan Quế, Nguyễn Quang Hà… Đặc biệt là nhà văn Trần Công Tấn gần 40 năm rồi mới gặp nhau, nhưng hai anh em vẫn nhận ra nhau, ôm chặt nhau thân thương như ruột thịt.
|
Anh sinh ngày 19 tháng 5 năm Quý Dậu (1933). 11 tuổi, anh đã làm liên lạc bí mật phục vụ cách mạng, rồi vào bộ đội, làm lính trinh sát, lính tình báo, chỉ huy chiến đấu; gia nhập quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở Lào và Campuchia, được Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhận làm con nuôi. Sau năm 1954, anh về Quảng Bình làm công tác tuyên huấn, phụ trách điện ảnh và chiếu bóng… rồi trở thành một trong số năm người: Lê Khai, Dương Tử Giang, Trần Công Tấn, Văn Nhĩ, Cẩm Lai lãnh đạo sáng lập ra Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình (năm 1961) và liên tục là ủy viên thường vụ hội từ khi thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tôi quen anh trong những năm tháng qua lại Hội Văn nghệ Quảng Bình ở Phú Vinh từ đầu những năm 70 và dự Đại hội lần thứ II của hội năm 1974.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), anh đưa cả gia đình vào TP. Hồ Chí Minh, đến bây giờ mới được gặp lại. Quý ở anh tấm lòng rộng lượng luôn quan tâm chăm lo hội lớn mạnh, tận tình chăm sóc anh em, càng quý hơn về tính say mê sáng tạo, cả một đời dấn thân cho văn học.
Hơn 60 năm lao vào sự nghiệp văn chương, nhà văn Trần Công Tấn đã xuất bản: Thần voi và voi thần (truyện ngắn, 1958), Cô pháo thủ (truyện ký, 1966); Đường ra biển rộng (truyện ký, 1967), Tiếng nói dưới dòng sông (truyện ký, 1968), Dòng suối mát (truyện ngắn, bút ký, 1969), Suối trong rừng (tiểu thuyết), Chớp biển (truyện ký, 1970), Chỗ gặp nhau (truyện ngắn, 1972), Những bông cỏ mặt trời (truyện phim, 1971), Đa Ra nơi đâu (tiểu thuyết, 1980), Mối tình tan vỡ (1988), Hoa lục bình trôi (1982), Thương thương (tiểu thuyết, 1998), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông với đất nước Triệu Voi (dịch thuật, truyện ngắn, bút ký, 1999), Ba đời chồng (tập truyện ngắn, 2000), Hà Văn Lâu-Người đi từ bến làng Sình (tiểu thuyết tư liệu, 2004), Ông Hoàng đỏ-Người hùng của đất nước Lào (ký, dịch thuật, 2004), Giữ đỉnh Xạng Khăm (truyện ngắn, ký, 2005), Những dòng sông huyền thoại (2010).
Sau cuốn tiểu thuyết viết về Hà Văn Lâu dày trên 600 trang, anh đã viết liên tục hai tháng liền xong cuốn “Nguyễn Chí Thanh-Sáng trong như ngọc một con người” dày hơn 700 trang được Nhà xuất bản Văn học công bố năm 2009. Anh mãi viết tiếp không ngơi nghỉ và liên tục cho ra đời các tác phẩm: Chiến đấu ở xa Tổ quốc (2011), Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan (2013), Tiếng khèn trên đỉnh Sa Mù (truyện và ký, 2020)…
Nghe tin nhà văn Trần Công Tấn qua đời, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ trên trang facebook của mình: “Ông là một trong những nhà văn mà tôi chưa được gặp bao giờ. Tác phẩm đầu tay của ông ra đời trước khi tôi sinh ra… Chỉ chừng đó tác phẩm đủ cho tôi hình dung cuộc đời ông. Lặng lẽ sống một cách khiêm nhường và lặng lẽ viết những điều giản dị như chính văn phong của ông. Đấy là những gì mà trái tim ông rung cảm, là những gì mà ông suy ngẫm về con người và cuộc sống. Ông viết là để cho chính ông được sống. Hình như những người sống qua nhiều biến cố của đời sống cá nhân và đời sống dân tộc sẽ hiểu được cái giá của đời sống và của văn chương như thế nào. Nhà văn Trần Công Tấn là như vậy”.
Anh từng đoạt được nhiều giải thưởng văn học: Thần voi và voi thần, giải chính thức Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Tổng cục Chính trị; Họp tổ Đảng, giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1963); Những người thay áo cho rừng, giải thưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn; Chỗ gặp nhau, giải thưởng của Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Nhà văn; Tàu ta đã kéo còi qua dòng sông Bến Hải, giải nhất bút ký Báo Văn nghệ Giải phóng (1977); được khen thưởng 10 cuốn sách tiểu thuyết và truyện ký về đề tài Lào, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước Lào tặng.
Ngày 10/9/2007, hội nghị nhà văn Việt Nam-Lào-Campuchia tổ chức tại Hà Nội, anh là 1 trong 5 nhà văn Việt Nam được trao Giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất.
Sống với anh một tháng trong trại viết, càng cảm phục sức viết của anh. Anh viết say sưa, viết tranh thủ mọi thời gian, viết quên cả tuổi già, quên cả mệt mỏi. Bữa ăn nào tôi cũng phải đến gõ cửa gọi, anh mới dừng bút. Thương anh tuổi đã cao vẫn lăn lộn với văn chương, nhiều lần tôi cố đến ngồi chơi để thư giãn cho anh. Cả nể, anh đưa những thứ trà quý và cà phê anh mang đi pha mời và trò chuyện, nhưng sau đó tôi lại được một bạn văn khác báo lại là anh Tấn rất ngại tôi đến làm mất thời gian, thế là đành phải gặp nhau trò chuyện ngoài giờ hoặc tại công viên bên bờ biển trong các buổi sáng đi tập thể dục.
Theo anh kể thì ở nhà anh có một phòng viết. Khi anh ngồi vào viết rồi thì không có ai làm phiền anh hết. Ở trại này, mặc dù mang theo máy vi tính và luôn đặt sẵn trên bàn, nhưng anh toàn viết tay, chữ rõ ràng, đẹp và ngay ngắn lắm.
Tôi cảm phục anh, rất mừng vì đã có một người đã từng sáng lập và lãnh đạo Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình suốt gần 15 năm trên quê hương “Hai giỏi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đầy đạn bom, đầy đau thương, đầy chiến công vang dội và nổi trội trên diễn đàn văn chương nước nhà.
Xin vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt một nhà văn đức độ và nổi tiếng của đất nước!
Kim Cương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202409/vinh-biet-nha-van-tran-cong-tan-2220835/