(QBĐT) – Rà soát, đề xuất, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm xóa bỏ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) là việc làm thường xuyên được các cấp, ngành nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, với mục tiêu cao nhất bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lê Văn Thủy, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 917km quốc lộ, 367km đường tỉnh, 507km đường đô thị, 715km đường huyện, 51km đường chuyên dùng và trên 6.677km đường giao thông nông thôn, 230km đường thủy nội địa. Trong đó, Sở Giao thông vận tải được giao quản lý 318km quốc lộ, 367km đường tỉnh và 61km đường nội thành, 229km đường thủy nội địa.
Những năm qua, công tác đầu tư, xây dựng, quản lý bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại luôn được ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa những nguyên nhân khách quan dẫn đến TNGT.
|
Tuy nhiên, thực tế hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đang dần trở nên quá tải, không theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Thời gian gần đây, Quốc lộ 1 đoạn qua cầu Gianh (giáp ranh giữa huyện Bố Trạch và TX. Ba Đồn) thường xuyên bị ách tắc nghiêm trọng nếu xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông ở khu vực giữa hoặc hai đầu cầu. Nếu như hơn 15 năm về trước, cầu Gianh từng được xem là biểu tượng của sự phát triển về hạ tầng giao thông đường bộ thì nay đã trở nên quá chật hẹp. Chỉ một vụ va chạm giao thông nhỏ cũng dễ dẫn đến ách tắc nhiều km trong hàng giờ liền, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông và cũng gây khó khăn, áp lực cho các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường có mật độ giao thông lớn, các nút giao hẹp, hạn chế tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, dần hình thành các “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT.
Trước tình hình đó, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện để sửa chữa những hư hỏng phát sinh, bổ sung, thay thế hệ thống báo hiệu bị mất, hư hỏng; bổ sung hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông, bổ sung vạch sơn tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra tai nạn. Đồng thời, Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành rà soát các điểm tiềm ẩn có nguy cơ mất ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn để đề xuất giải pháp xử lý.
Năm 2023, Ban ATGT TX. Ba Đồn đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên các tuyến đường: Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Quốc lộ 12A đi cụm trung tâm các xã vùng Nam và các tuyến đường nội thị để đề nghị UBND thị xã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng. Ngoài ra, đề xuất nâng cấp sửa chữa tuyến đường tỉnh lộ 559 đoạn từ Quốc lộ 12A đến cầu Quảng Hải 1 và tuyến đường tỉnh lộ 559B đoạn từ ngã tư Nông Giang đến thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn.
|
Cùng với đó, thị xã cũng bố trí các nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư nâng cấp sửa chữa, lắp đặt biển báo và gờ giảm tốc độ trên một số tuyến đường liên xã, đường nội thị nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Ninh cho biết, từ ngày 1/1/2024 địa phương sẽ áp dụng xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh của các camera tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thị xã. Theo đó, việc xử lý các vi phạm qua camera giám sát tại các nút giao thông quan trọng, nhất là ở các điểm giao giữa đường nội thị và Quốc lộ 12A đi qua địa bàn góp phần kiềm chế TNGT, nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông cho người dân.
Sau nhiều nỗ lực đề xuất của tỉnh, cầu Gianh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng chiều dài hơn 2,1km. Điểm đầu ở địa phận TX. Ba Đồn và điểm cuối huyện Bố Trạch. Công trình được xây dựng một đơn nguyên cầu mới với bề rộng 12m, chiều dài cầu khoảng gần 745m; kết cấu phần trên dự kiến sử dụng nhịp bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép. Quy mô đường đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mở rộng nền đường phù hợp với quy mô 4 làn, bề rộng nền đường 20,5m. |
Trên tuyến đường sắt, các ngành chức năng và chính quyền địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua thường xuyên kiểm tra các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, tuyên truyền vận động, phối hợp thu hẹp lại các lối đi tự mở qua đường sắt bị người dân tháo dỡ để qua lại nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu. Giai đoạn 2022-2023, toàn tỉnh đã đóng 25 lối đi tự mở qua đường sắt (từ 164 lối hiện nay còn 139). Cắm đủ biển “Chú ý tàu hỏa” và phát quang giải tỏa tầm nhìn tại 56 đường ngang. Trên các tuyến đường thủy nội địa được đầu tư lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu, thường xuyên kiểm tra, công tác điều tiết bảo đảm giao thông đối với các công trình cầu vượt sông.
Cũng theo ông Lê Văn Thủy, trong nỗ lực xóa bỏ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đã công văn bản gửi các ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo đảm trật tự, ATGT mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Xử lý dứt điểm lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trước năm 2025 thuộc trách nhiệm của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả lối đi dân sinh).
X.Phú