(QBĐT) – Cách nay hơn 10 năm, Hoàng Thị Thúy (SN 1992, ở xã Võ Ninh, Quảng Ninh) tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang, chuyên ngành Mỹ thuật. Em cũng có thử làm vài ba công việc nhưng cuối cùng chọn về nhà vẽ tranh và làm thơ. Điều đó có nghĩa Thúy chọn môi trường tự do cho riêng mình. Mặc dù được đào tạo để trở thành họa sĩ, nhưng Thúy lại là hội viên Phân hội Văn học, chuyên ngành Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình.
Thơ của Thúy tùy cảm, hồn nhiên lại khiến nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sửng sốt bởi sự mới lạ. Ông quý mỗi bài thơ của Thúy và quan tâm Thúy như bảo vệ một mầm cây mới nhú. Và ông kỳ vọng… Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là thế, với ông thơ là một “ tôn giáo” và mỗi người làm thơ trẻ là một tín đồ cần được nâng niu. Thúy không ngoại lệ. Được một bậc tiền bối động viên khích lệ cùng với tâm hồn vốn sẵn giàu sáng tạo Thúy liên tục có nhiều bài thơ ấn tượng. Các tạp chí văn nghệ có uy tín trên cả nước như Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Nhật Lệ, Cửa Việt… đã liên tục đăng thơ của Thúy như ghi nhận sự xuất hiện một nhân tố mới. Tôi cũng có thiện cảm đối với cô gái bé nhỏ này bởi tác phẩm tranh, thơ của em giàu hình ảnh và có sức gợi mạnh mẽ. Trong tranh Thúy có thơ. Trong thơ Thúy có tranh. Một quãng thời gian chừng vài ba năm Thúy vắng hẳn. Thưa thớt tranh. Lặng lẽ thơ. Những lo “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”, may rằng đầu năm 2024, em đã trở lại, liên tục đăng thơ-tranh trên facebook cá nhân. Và tôi thực sự ngỡ ngàng bởi độ chín vượt bậc trong tư duy sáng tạo của Thúy.
Thúy-trước hết là họa sĩ được đào tạo bài bản. Thúy dành nhiều thời gian để vẽ về phong cảnh quê hương. Những đường cọ trong tranh Thúy đơn giản và màu sắc cũng vậy. Để đọc được ý tưởng của em không khó. Bởi tất cả mọi thứ diễn ra tự nhiên như vốn có. Nhưng mà lại… chẳng giống ai. Nét màu của Thúy chuyển động chứ không tả thực thật thà. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt trong tư duy sáng tạo của em.
Thúy yêu quê hương bằng thứ tình cảm ngọt ngào, trong sáng và giản dị. Thúy thế nào, tranh của Thúy nói lên điều ấy. Từ một góc đổ của nhà thờ Đồng Dương-Bảo Ninh đến lối nhỏ đi ra biển, từ một mảnh trăng nhỏ treo trên bầu trời đêm hun hút đến cơn mưa bất chợt ùa về hay những vầng mây lang thang vô định… đều mang lại cảm hứng sáng tạo cho Thúy: Thành phố như một giấc mơ đi, lối đi ra biển, mây xám và mây xanh trên biển, trời có khi nắng khi mưa, phố một ngày mưa nọ, một trăng lưỡi liềm, phố vừa có cơn mưa to, hoàng hôn xanh, gió đổ xuống bàn tay từng cụm mây nắng rất gần… Thúy khác người ta ở cả cách đặt phụ đề, đó vừa là câu kể lại như một dòng thơ. Mỗi bức tranh của Thúy như một bài thơ đẹp. Nhìn thôi đã cảm xúc!
|
Trong thực tế của chuyên ngành hội họa cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng, có một số họa sĩ sáng tạo theo lối tả thực, chỉn chu, đèm đẹp từ nét vẽ đến màu sắc. Thúy không thuộc phong cách này. Thúy vẽ một cách mạnh mẽ mà người xem lại nhìn thấy sự mơ mộng, lãng mạn. Thúy tả thực mà người xem lại lay thức hình dung. Thúy trực diện mà lại giàu thông điệp. Ở Thúy, không có chỗ của nhàm chán. Thúy cũng thích vẽ chân dung. Nhà văn Trác Diễm nhận xét tranh chân dung của Thúy “Nhìn cứ thấy tây tây!” Ở đây bạn ấy đang nói đến tính hiện đại trong phương pháp sáng tạo của họa sĩ.
Cô gái không xinh đẹp như lẽ thường. Gương mặt người cha, người mẹ cũng không như vốn có. Nhưng nhìn vào, người xem sẽ thấy thanh xuân của cô gái, thấy dấu ấn tháng năm nơi người cha, thấy phúc hậu hiền từ trên gương mặt người mẹ. Tất cả… hiện lên trong tranh Thúy gần gũi, thân quen nhưng lại được thể hiện “rất Thúy” (lời của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến). Những bức tranh em đăng trên facebook cá nhân luôn luôn nhận được những lời khen của nhiều họa sĩ trong và ngoài tỉnh. Họa sĩ Nguyễn Lương Sao đã nói một câu rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa sự ghi nhận quý giá dành cho Thúy “Thúy vẽ cái chi cũng hay!” Với người sáng tạo nghệ thuật, khi đã tạo cho mình một cá tính thì chỉ vậy là đủ, là hạnh phúc.
Tôi không biết Thúy bắt đầu làm thơ từ khi nào, nhưng nghĩ rằng có lẽ cảm hứng thơ của Thúy khởi phát từ những rung cảm trong sáng tạo hội họa. Thơ của em là bức tranh có đủ các chiều kích của không gian và thời gian, vừa xa xôi, trừu tượng, lại vừa hiện hữu cụ thể.
“Bầu trời là một phần chiếc bình rỗng
mỗi ngày cắm nhiều tầng mù sương
túi tuổi thơ cộng nhánh bão ngang tàng
khi thời khắc đến, chia ly gắn liền với điều tin tưởng
từ rất lâu những gì đẹp nhất đã hiện hữu dưới miệng núi lửa
thời gian chẳng phải thước đo chiều dài hạnh phúc
chúng ta lơ lửng trên chính lối mòn
hoa hồng và nến lung linh…”
(Cộng-Thúy)
Một cô gái trẻ như Thúy lại có nhân sinh quan mang tính triết lý sâu sắc như vậy thì phải là người chịu khó nhìn ngắm cuộc đời và vũ trụ, để rút ra những liên đới biện chứng dằng buộc giữa con người với không gian tồn tại, giữa cuộc đời với dòng trôi thời gian và giá trị đích thực của hạnh phúc nhân thế. Hãy nghe ký ức trong veo và rực rỡ của Thúy về mẹ để thấy thơ của em thực sự là một bức tranh đẹp và giàu cảm xúc:
“những ký ức tuổi thơ nối ngược nhau về
mang theo cơn gió lào thổi ngang qua giấc mơ đầy ắp
ánh khói
nơi có những niềm vui biết đan chéo từ giọt nước mắt
của Mẹ
nắng đầu mùa, hạnh phúc bắt đầu khi thời gian vô tình
làm hoen ố màu áo
Mẹ ru cuộc đời bằng mười ngón tay chưa một lần đeo nhẫn
câu thủy chung Mẹ giấu sau tiếng cười là cả đại dương
muối mặn
ngọn cỏ heo may phủ kín tuổi thanh xuân
tháng ngày nào rong ruổi nhìn xa trái đất bên song cửa
số bảy màu xanh
lại muốn trở về nằm bên hiên nhà xõa tóc vào bức tường
rêu cũ
được nghe tiếng Mẹ hát điệu hò quê hương xoa dịu đi nỗi đau
ngọt ngào đang trở thành sự thật
và ngủ quên cho đến tận sớm mai…”
(Giấc mơ ánh khói-Thúy)
Những dòng thơ đầy hình ảnh và đậm đà sắc màu, thơ và họa tương ứng, tương đồng góp phần tạo nên “chất” Thúy. Thành phố quen được nhìn bằng góc lạ:
“thành phố cô đơn
thành phố khờ khạo giấu nỗi nhớ không tên
mùa chín đỏ rồi xanh, ước nguyện qua bao lần thay lá
định mệnh xoay vần vội vàng cuốn theo những tính toan
trăm ngã
giữa lưng trời
chẳng có hình hài nào vẹn nguyên
thành phố lên đèn ngả vàng hiu hắt
con đường bình minh xa lạ quá
cậu bé có đôi mắt sâu thẳm lang thang giấu chút bình yên
bên ngực phải
nửa mùa thương bỏ lại
thành phố như một giấc mơ đi”
(Thành phố như một giấc mơ đi-Thúy)
Xem tranh Thúy, đọc thơ Thúy, ta nhận ra cuộc sống của em chan hòa trong thiên nhiên. Khi đi vào tác phẩm, tất cả vẫn vẹn nguyên trong trẻo như đôi mắt của Thúy vậy, nhưng ẩn sau những hình ảnh nổi là những tâm tư, những suy tưởng rất đời:
“của một ngày đầy nắng
tôi giấu mùi nhựa lá bạch đàn trong ngôi nhà
như đào thêm hố nhỏ dưới gốc cây
cho con cá đỏ ba đuôi không còn bơi qua buổi sáng
cứ một giấc mơ chết thì thêm một ngôi sao
sắp sửa sẽ thẳng hàng
nghĩa là, dòng nước cứ thế mà sống tiếp
và khi nắng um lên
gió thổi qua tháng bảy
tôi đã thấy chính mình bước vào cánh cửa
và vĩnh viễn để lại T ở đó
trong cái hộp vuông màu xanh rất rõ
bởi bức tranh bị phản chiếu trên tường…”
(Của một ngày đầy nắng-Thúy)
Thúy, tranh và thơ-Đó là kết cấu hoàn hảo cho một cá tính sáng tạo nghệ thuật!
Trương Thu Hiền
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/thuy-tranh-va-tho-2221908/