(QBĐT) – Lau nở rồi, hết lụt rồi bà con ơi…! Những gương mặt già nua khốn khổ, nụ cười rúm ró… tất cả mọi điều dường như bị đè bẹp xuống bởi những đôi mắt ngập tràn màu nắng. Giữa đống hoang tàn, họ nhìn ra sông, nước nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về, màu bùn đất nhuộm đỏ mặt sông và cây cối xung quanh. Để rồi bất ngờ như một luồng sáng phun lên dọc triền sông. Bông lau thi nhau trổ. Lấp lánh, trắng xóa… những bông lau như reo như cười, xua hết mọi lo âu phiền muộn. Lau dội vào lòng người một nguồn sáng ấm áp, một sức sống bền bỉ dẻo dai, bất tận.
Cụ Ruy, người vừa bị lũ cuốn trôi hàng trăm con vịt đẻ trứng, nheo mắt nhìn lau nở phía bờ Vình (một eo nước ngập đầy năn lác, nhánh phụ của sông Son), dẫu xót xa lắm, tiếc nuối lắm… nhưng biết sao giờ? Cụ Ruy dựng lại mấy tấm liếp còn vướng mắc xung quanh bụi tre sát chuồng trại, cất giọng cảm cúm: Đừng than phận khó ai ơi/còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. Thương lắm, người miền Trung là thế! Bao nhiêu tằn tiện chắt chiu, làm lụng vất vả nay trắng tay rồi, mất sạch hết rồi… vẫn nén tiếng thở dài, an ủi nhau: Thôi, “còn người thì còn của”.
Tôi đi trên những cánh đồng miền Trung, qua bao nhiêu làng mạc, những ngọn cây cúi gục đầu nặng trĩu bởi bùn, cành lá xác xơ, cây bật gốc bật rễ…
Lau nở rồi…lau nở rồi! Những âm giọng khàn đục chứa đầy khấp khởi, đầy niềm hy vọng mới nhưng cứ cắt cứa vào lòng tôi những thương cảm vô bờ bến.
|
Đi dọc cung đường Hồ Chí Minh, qua thôn Khương Hà, nơi có địa thế cao hơn so với các vùng khác ở trên địa bàn xã Hưng Trạch, nhà cửa tuy không bị ngập lụt nhưng vẫn không tránh khỏi sự sạt lở. Nhiều hộ dân đang tích cực sửa sang lại chuồng trại. Như hộ gia đình của ông Phạm Đình Lương, có trang trại lợn thịt và lợn nái hơn 500 con đang đến kỳ sinh nở. Qua trận lũ lụt vừa rồi, may mắn nhà ông không bị ảnh hưởng nhiều, nếu khéo chăm nom thì dự tính cuối năm nay khi lứa lợn con xuất trại cũng đưa về cho gia đình ông cả tỷ đồng.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi trang trại thì còn có nhiều hộ gia đình đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây hồ tiêu sang trồng ổi. Họ nhận thấy vùng đất gò đồi này thích hợp với giống ổi lê Đài Loan, sau 8 tháng là ra quả trĩu trịt để phục vụ tại chỗ cho du khách khi tới tham quan các điểm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, vừa bày bán cho những người đi đường. Tính ra mỗi năm các hộ gia đình thu nhập từ ổi đến hàng chục triệu đồng, có hộ còn lên tới cả trăm triệu đồng. Đến nay, toàn xã Hưng Trạch có hơn 200 hộ trồng ổi, tổng diện tích trên 7ha. Điển hình có trang trại Thung Dó, gia trại ông Thái, gia trại ông Phấn…
Ngoài mô hình kết hợp vườn-ao-chuồng, nhiều hộ dân trên địa bàn còn hướng tới xu thế mở du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách đến tham quan, tận dụng ngay chính diện tích vườn nhà của mình để làm trang trại, mở các dịch vụ ăn uống bằng chính những sản phẩm trong vườn mình làm được. Với lợi thế nằm ngay cửa ngõ đường vào Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thông qua cách nhìn nhận đánh giá tiềm năng địa thế của từng vùng, từng hộ dân kết hợp với sự định hướng đúng đắn của Sở Du lịch về việc khuyến khích cộng đồng cùng làm du lịch, kêu gọi hợp tác đầu tư, cung ứng nguồn khách… đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình có mức thu nhập cao và còn đi đúng mục tiêu của việc “xây dựng nông thôn mới”, “hướng đến một nền du lịch xanh”…
Những năm trở lại đây, khí hậu thời tiết của nước ta liên tục biến đổi theo chiều hướng phức tạp.Với địa hình địa thế đặc biệt cho nên các tỉnh dọc miền Trung hơn ai hết họ nhận ra điều ấy và sẵn sàng “sống chung với lũ” “đối mặt” với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Lũ tràn về, dân không kịp trở tay, không phải chủ quan mà do nhiều lý do khách quan như việc có một thời gian rừng bị phá bừa bãi, các dự án nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đua nhau xây dựng, các khu vốn dĩ rừng nguyên sinh đang sống mạnh mẽ, với tầng tầng lớp lớp cây bụi thấp, các thảm thực vật… có tác dụng giữ nước rất lớn, chống xói mòn đất… thì đều trở thành những đồi cao su, đồi keo, đồi tràm… và đến kỳ thu hoạch những khu đồi này lại bị giày xéo bởi một dàn xe nặng hàng chục hàng trăm tấn… thì thử hỏi đồi nào mà chịu thấu, đồi nào mà không lở cho được?
Sau lũ, nhìn những đoàn xe thiện nguyện từ mọi miền Tổ quốc hướng về miền Trung, thấy trào dâng lên một sự lan tỏa ấm áp, một niềm hạnh phúc rưng rưng giữa những đau thương. Và hơn bao giờ hết, hai tiếng “đồng bào” lúc này trở nên thiêng liêng quá đỗi.
Tôi nhớ lại trận lũ chồng lũ năm 2020, chứng kiến mưa trút xuống gần cả tuần liền không ngưng nghỉ, gió rít liên hồi. Mưa kèm theo gió bão khiến nước trên nguồn đổ về cuồn cuộn, đêm chìm trong mịt mùng khiến dân không kịp trở tay. Mấy năm trước chỉ có nước dâng nhà ngập, bão làm tốc mái, đổ gục cây cối…nhưng năm nay bão có xu hướng phức tạp và khó lường hơn rất nhiều. Sự sạt lở núi đồi với tần suất dày đặc khiến dân tình càng thêm hoang mang.
Năm ấy, tôi cùng với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng đi qua những cánh đồng miền Trung xơ xác. Đau xót. Nghẹn ngào. Và hàng trăm gói hàng của tình người nghệ sĩ gửi gắm, làm sao quên!
Miền Trung ơi, thương lắm miền Trung
Đẫm nước mắt trôi qua mùa bão lũ
Ai khắc khoải đợi mùa lau nhú
Vẫn ân tình mỗi bát cơm chia…
(Nguyễn Hữu Quý)
“Lau trắng đã nở rồi!”. Âm thanh reo mừng ấy cứ rền trong gió càng dâng thêm bao nỗi xót xa.
Trác Diễm
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/thuong-mua-hoa-trang-2222258/